Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra


“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

 


Bình luận:

Khi súc vật gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể thuộc về chủ sở hữu, về người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật, về người chiếm hữu sử dụng trái pháp luật súc vật cũng như người thứ ba có lõi làm cho súc vật bị thiệt hại.

-   Chủ sở hữu súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:

Thứ nhất: trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật mà súc vật gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường, bất kể chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý súc vật hay không. Bởi vì chủ sở hữu súc vật là người được thực hiện các quyền năng đối với súc  vật, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức mà súc vật mang lại. Do đó, theo lẽ công bằng, thì khi súc vật gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật cũng xuất phát từ việc chủ sở hữu được quyền khai thác công dụng và hưởng lợi ích mà súc vật mang lại. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế xảy ra đối với người bị thiệt hại, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu với người bị thiệt hại có thỏa thuận khác về mức bồi thường.

Thứ hai, trong trường hợp súc vật gây thiệt hại khi không thuộc sự quản lý của chủ sở hữu thì chủ sở hữu vẫn phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

Một là, súc vật gây thiệt hại khi súc vật đang do người được chủ sở hữu chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng (người thuê, người mượn súc vật, người trông giữ súc vật theo hợp đồng với chủ sở hữu). Trong trường hợp này, về nguyên tắc thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người được giao quản lý, sử dụng súc vật. Tuy nhiên, nếu có thỏa thuận thì trách nhiệm bồi thường lại thuộc về chủ sở hữu.

Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu việc súc vật gây thiệt hại do sự tác động của người thứ ba mà chủ sở hữu cũng có lỗi thì chủ sở hữu súc vật và người thứ ba phải liên đới trong việc bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, súc vật chỉ gây ra thiệt hại khi có đủ hai yếu tố cần thiết và các yếu tố này phải có liên hệ với nhau, mà nếu thiếu một trong hai yếu tố đó súc vật sẽ không có “cơ hội” để gây thiệt hại: (i) chủ sở hữu không quản lý hoặc quản lý súc vật không chặt chẽ; (ii) người thứ ba phải tác động đến súc vật( dọa, ném đá, giật điện, đập gậy,…)

Ba là, súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gậy thiệt hại. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu phát sinh khi chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý súc vật. Chính vì chủ sở hữu quản lý không tốt nên súc vật mới bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và gây ra thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này không xuất phát từ việc chủ sở hữu được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức do súc vật mang lại, mà phát sinh từ sự vi phạm nghĩa vụ quản lý tài sản của chủ sở hữu.

Thứ ba, trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quan mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội: Có thể thấy, quy định này ảnh hưởng tới việc giải quyết hai vấn đề: (i) chủ thể bồi thường thiệt hại chỉ có thể là chủ sở hữu; (ii) Vấn đề bồi thường thiệt hại được áp dụng theo tâp quán ở địa phương.

-   Trách nhiệm bồi thường của người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật:

Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trong quy định này được hiểu là những người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua giao dịch, ví dụ như người thuê, người mượn súc vật, người trông giữ súc vật,… Theo đó, họ có quyền chiếm hữu, sử dụng súc vật để phục vụ cho các nhu cầu của mình (lấy sức kéo, lấy trứng, sữa,…), hoặc họ sẽ được hưởng một khoản tiền công từ việc quản lý gia súc thay cho chủ sở hữu, hoặc họ sẽ là người có quyền quản lý, giám sát hoạt động của súc vật mà chủ sở hữu chuyển giao. Do đó, khi súc vật gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luât.

-Trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật:

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có thể được hiểu là những người chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác mà không dựa trên cơ sở các quy định pháp luật về chiếm hữu, cũng như sử dụng. Ngay khi họ thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác thì đã bị coi là trái pháp luật, và đương nhiên trách nhiệm dân sự của họ đã phát sinh từ thời điểm thực hiện hành vi, kể cả súc vật chưa gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nếu súc vật chưa gây ra thiệt hại thì trách nhiệm của họ đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không phải là trách nhiệm bồi thường, mà có thể là trách nhiệm hoàn trả súc vật và hoa lợi, lợi tức. Trong trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người thứ ba thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường, thâm chí họ có thể quản lý chặt chẽ súc vật đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải là trách nhiệm với chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp súc vật mà với người bị thiệt hại. Hành vi chiếm hữu, sử dụng trái phap luật súc vật không phải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, nhưng hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật úc vật có thể coi là đã tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để súc vật gây ra thiệt hại. Do đó, cơ sở chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật chính là hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật mà họ đã thực hiện.

-   Trách nhiệm bồi thường của người thứ ba:

Người thứ ba được nhắc đến trong quy định này không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, cũng không phải là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật. Tại thời điểm súc vật gây thiệt hại, người thứ ba không được xac định là người đang quản lý, sử dụng súc vật mà họ là người thực hiện hành vi tác động, kích động súc vật khiến cho súc vật gây thiệt hại. Trong trường hợp này, súc vật không tự nhiên gây ra thiệt hại mà do có tác động của người thứ ba dẫn đến súc vật gây thiệt hại, nên việc súc vật gây ra thiệt hại là hoàn toàn bị động. Chúng không chủ động tấn công người và tài sản, mà chỉ đơn giản là đang thực hiện một hành động tự vệ hoặc chạy trốn khỏi sự tác động của người thứ ba, nên sự tác động, kích động của người thứ ba được coi là nguyên nhân dẫn đến việc sức vật gây thiệt hại cho người khác. Về thực chất, đây là bồi thường thiệt hại do hành vi của người thứ ba tác động đến súc vật gây ra, chứ không chỉ đưn thuần là do súc vật tự gây ra. Do đó, cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba chính là hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện.

BLDS 2015 có những thay đổi so vơi BLDS năm 2005 như sau:

Thứ nhất, BLDS năm 2015 đã bỏ quy định “nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc “làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Thực chất quy định này đã được lồng ghép vào quy định tại khoản 2 Điều 584 về căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, trong đó cũng có căn có đó là “hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại”. Do vậy, việc loại bỏ quy định này là hoàn toàn phù hợp, tranh trùng lặp giữa các quy định.

Thứ hai, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, người sử dụng súc vật tại khoản 1 Điều  603: “Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sủ dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định này hoàn toàn phù hợp, bởi vì người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng súc vật là người có quyền nhất định đối với súc vật đó (thông thường đó là người được khai thác công dụng của súc vật, hoặc người được hưởng một chi phí nhất định để quản lý súc vật), nên phải bồi thường thiệt hại do súc vật đó gây ra.

Thứ ba, BLDS năm 2005 bổ sung quy định liên quan đến trách nhiemejc ủa chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật khi súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật: “khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bòi thường thiệt hại”. Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trong việc quản lý súc vật. Do đó, nếu không quản lý tốt súc vật thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình. 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)