Bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi gây ra

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi gây ra

Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý


Theo quy định Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2015:

Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.

1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

 


Bình luận:

Đây là trường hợp thiệt hại do người không có hoặc không đủ năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra. Bản thân người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Chủ thể phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được xác định cụ thể như sau:

Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường cho người bị thiệt hại nếu có lỗi trong việc quản lý người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự;

Cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường thiệt hại khi trường học, bệnh viện không có lỗi trong việc quản lý.

Nghiên cứu quy định tại Điều này, có thể nhận thấy một số vấn đề bất cập như sau:

Thứ nhất, thuật ngữ được sử dụng không thống nhất giữa tiêu đề của Điều luật và khoản 3 với khoản 1. Tiêu đề của Điều luật này và tại khoản 3 của Điều luật này sử dụng cụm từ “người dưới mười lăm tuổi”, nhưng tại khoản 1 lại sử dụng cụm từ “người chưa đủ mười lăm tuổi”. Việc sử dụng cụm từ “người chưa đủ mười lăm tuổi”như ở khoản 1 là sự thay đổi phù hợp BLDS năm 2015, nhưng sự sửa đổi này là không đồng bộ. Do đó, để đảm bảo việc sử dụng đồng bộ các thuật ngữ thì nên thay thuật ngữ “người dưới mười lăm tuổi” ở tiêu đề và khoản 3 Điều này thành người chưa đủ mười lăm tuổi”.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều này, nếu trường học, bệnh viện không có lỗi trong việc quản lý người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ phải bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 586 Bộ luật này, người giám hộ chỉ phải bồi thường và người giám hộ có lỗi trong việc giám hộ. Rõ ràng, hai quy định cùng điềm chỉnh về vấn đề bồi thường thiệt hại do người chưa đủ mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự gây ra nhưng lại có sự mâu thuẫn với nhau. Theo quan điểm của chúng tôi, để đảm bảo sự thống nhất giữa hai quy định này, khoản 3 Điều này nên được thêm đoạn “theo quy định tại Điều 586 Bộ luật này” vào cuối. Tức là khoản 3 Điều này sẽ có nội dung “…; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường theo quy định tại Điều 586 Bộ luật này”.

Quy định tại Điều này có một số sự thay đổi nhỏ so với quy định tại Điều 621 BLDS năm 2005 như sau:

Thứ nhất: hai từ “tổ chức” được thay thế bằng hai từ “pháp nhân”. Thay đổi này dẫn đến việc xác định chủ thể quản lý người gây thiệt hại trong trường hợp này chỉ co thể là pháp nhân. Tuy nhiên, sự sửa đổi này không hợp lý và không bao quát được tất cả các trường hợp xảy ra trên thực tế. Ví dụ, một hộ gia đình ký hợp đồng dịch vụ trông trẻ với nhiều gia đình khác, trong thời gian trông giữ, các bé đánh nhau gây thiệt hại thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định theo quy định nào?

Thứ hai, cụm từ “dưới 15 tuổi” được sửa thành “chưa đủ 15 tuổi”. Thay đổi này là hợp lý bởi vì nếu sử dụng cụm từ “người dưới mười lăm tuổi” như Điều 621 BLDS năm 2005 sẽ có thể dẫn đến cách hiểu rằng người dưới 15 tuổi là người từ đủ 14 tuổi trở xuống, và sẽ không bao gồm người đã bước qua 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi (người đã bước qua sinh nhật tròn 14 tuổi sẽ bước vào tuổi 15 nhưng chưa đủ 15 tuổi ). Như vậy, sẽ không thể áp dụng quy định nào để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do nhóm đối tượng từ (14 tuổi+1 ngày) cho đến trước khi sinh nhật tròn 15 tuổi gây ra. 

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)