Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong dân sự


Theo quy định tại điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 


Bình luận:

Khoản 1 Điều này kế thừa hoàn toàn quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2005. Theo đó, nguồn nguy hiểm cao độ không được khái quát hóa thành một khái niệm mà được liệt kê theo cac loại cụ thể. Tuy nhiên, để có thể áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải xác định thiệt hại đó do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo chúng tôi, chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại nếu có hai yếu tố sau đây:

Một là, phải có sự hiện diện của một loại nguồn nguy hiểm cao độ, tức là tài sản gây thiệ hại phải là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2005 cũng như khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015;

Hai là, phải do tự thân hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ví dụ xe ô tô đang di chuyển thì bi nổ lốp hây thiệt hại, xe ô tô đang xuống dốc thì đứt phanh dẫn đến tai nạn,…)

Thực tế cho thấy, tại thời điểm xảy ra thiệt hại, nguồn nguy hiểm cao độ có thể đang được vận hành bởi một chủ thể nhất định (ví dụ, ô tô đang được chủ sở hữu lái di chuyển trên đường). Nhưng nếu do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà bất cẩn nên đã gây ra thiệt hại thì phải xác định đó là thiệt hại do người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tức là thiệt hại do hành vi gây ra và người thực hiện hành vi có thể có lỗi cố ý (cố tình lái xe lao vào người khác) hoặc lỗi vô ý (vừa lái xe vừa nghe điện thoại).

Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản. Cụ thể như sau:

(i)                      Trách nhiệm của chủ sở hữu:

Chủ sở hữu là người được thực hiện các quyền năng đối với tài sản, trong đó có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Theo lẽ công bằng, khi tài sản mang lại lợi ích, chủ sở hữu được hưởng, thì khi tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ xuất phát từ việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích mà tài sản mang lại, bất kể trong việc quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi.

Chủ sở hữu có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả khi không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng tài sản. Đó là các trường hợp: chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng để phục vụ cho lợi ích của chính mình (công ty cho người khác chiếm hữu, sử dụng để phục vụ cho lợi ích của chính mình( công ty chịu trách nhiệm bồi thường do xe ô tô do nhân viên lái gây ra thiệt hại); chủ sở hữu cho nguời khác thuê, cho mượn nhưng có thỏa thuận với người về việc chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại; chủ sở hữu có lỗi để cho nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.

(ii)                   Trách nhiệm của người được giao chiếm hữu sử dụng:

Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể là người được giao thông qua một giao dịch dân sự, hoặc có thể thông qua một quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyết định của người sử dụng lao động,… Vấn đề đặt ra là người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo căn cứ nào thì phải bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại? Cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều không quy định cụ thể, nhưng Nghị quyết 03/2006 lại có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo hướng dẫn tại điểm đ tiểu mục III Nghị quyết này, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là người được giao thông qua một giao dịch. Chúng tôi cũng đồng nhất quan điểm với hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006, theo đó chỉ những người được giao thông qua giao dịch như thuê, người mượn,…mới phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi trong việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, người được chuyển giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, bồi thường với mức độ nào còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa họ và chủ sở hữu. Nếu các bên không có sự thỏa thuận gì khác thì người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại trong thời gian mình chiếm hữu, sử dụng.

(iii)                 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ;

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không thông qua việc được chuyển giao và không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và cơ sở xác định trách nhiệm của họ luôn xuất phát từ sự vi phạm. Ngay cả khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại mà họ quản lý nghiêm ngặt thì họ vẫn bị coi là vi phạm, bởi vì sự vi phạm này xảy ra ngay khi họ chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ của người khác. Chính việc chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật của họ sẽ làm tăng thêm khả năng nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây ra thiệt hại cho con người và môi trường xung quanh, bởi bản thân họ có thể không nắm được tình trạng của tài sản và cũng không được sự chỉ dẫn của chủ sở hữu nên khó có thể đề phòng khả năng gây ra thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ.

Về các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Khoản 3 Điều này đưa ra 3 căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; xảy ra sự kiện bất khả kháng; xảy ra tình thế cấp thiết). Theo kết cấu của Điều luật này, các căn cứ này chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ vẫn có thể được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật này.

BLDS năm 2015 có một số điểm mới so với BLDS năm 2005 như sau:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 601 BLDS năm 2015 bổ sung thêm một nội dung trong nghĩa vụ của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về “bảo quản, trông giữ, vẫn chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ” như trong BLDS năm 2005, thì còn phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến việc “vận hành” nguồn nguy hiểm cao độ.

Thứ hai, trong khoản 3 và khoản 4 BLDS năm 2015, cụm từ “người chiếm hữu, sử dụng” được dùng thay cho cụm từ “người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng”. Việc sử dụng cụm từ “người chiếm hữu, sử dụng” mặc dù bao quát được cả các chủ thể chiếm hữu, sử dụng có căn cứ pháp luật khác mà không bao gồm chủ sở hữu và người được chủ sở hữu chuyenr giao. Tuy nhiên, cụm từ này cũng gây ra bất cập ở chỗ chính bản thân nó cũng bao hàm cả người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Do đó, dẫn đến vấn đề rằng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ có được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 hay không. Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ không được áp dụng căn cứ loại trừ trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, bởi vì bản thân họ luôn bị coi là có lỗi do chiếm hữu. sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiển cao độ của người khác. Đối với trường hợp hoàn toàn do lỗi cố ý cỉa người bị thiệt hại thì chúng tôi cho rằng nên loại trừ trách niệm bồi thường thiệt hại cho người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Theo đó, cần phải sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 601 BLDS năm 2015 như sau:

Khoản 3: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây…”

Khoản 4: “Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)