Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
ĐIỀU 179. TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY THIỆT HẠI ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC, CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
BÌNH LUẬN
1. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình làm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại đến tài sản của các đối tượng trên.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
* Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quyền sở hữu của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản gồm tiền, vật.
* Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội này thể hiện ở việc thiếu trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gây thiệt hại đến tài sản của các đối tượng trên.
Trách nhiệm quản lý tài sản, sử dụng, bảo vệ tài sản được xác định cụ thể trong các văn bản pháp luật, hoặc văn bản riêng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như: nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước tập thể... Khi truy cứu trách nhiệm hình sự cần xác định rõ người phạm tội có trách nhiệm trong quản lý tài sản hay không? Trách nhiệm này được thể hiện trong các văn bản, quy định nào? Và người đó đã thiếu trách nhiệm (thể hiện ở việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ) các quy định đó như thế nào?
Hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này nếu gây thiệt hại (như: mất mát, hư hỏng, lãng phí) cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng trở lên.
* Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là người có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của các đối tượng trên và là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện với lỗi vô ý.
3. Về hình phạt
Điều 179 quy định 03 khung hình phạt:
- Người phạm tội quy định tại khoản 1 thì bị phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Người phạm tội quy định tại khoản 2 bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng
- Người phạm tội quy định tại khoản 3 thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên.
- Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí