Tội cướp giật tài sản. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

ĐIỀU 171. TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN


1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

BÌNH LUẬN

1. Tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát.

2. Dấu hiệu pháp lý

* Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người.

Đối tượng tác động là tài sản (thông thường là tài sản gọn nhẹ, dễ dàng chiếm đoạt và tẩu thoát); sức khỏe của con người.

* Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở việc chiếm đoạt tài sản (bằng hành vi giật, giành lấy tài sản) một cách công khai.

Hành vi giật, giành lấy tài sản phải nhanh chóng và gây bất ngờ với người đang quản lý, sử dụng tài sản. Hành vi giật, giành lấy tài sản phải được tiến hành một cách công khai, người phạm tội không có ý định che giấu hành vi của mình. Đây là cơ sở để phân biệt cướp giật tài sản với các tội phạm khác như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông thường sau khi tiến hành việc giật, giành lấy tài sản, người phạm tội nhanh chóng tầu thoát nhằm thoát khỏi sự truy đuổi. Nhanh chóng tẩu thoát là dấu hiệu hình sự của tội phạm này chỉ không phải dấu hiệu pháp lý. Dấu hiệu pháp lý của tội cướp giật tài sản là nhanh chóng chiếm đoạt.

Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi được mô tả trong điều luật (phải giật được tài sản). Nếu chưa giật được tài sản (giật hụt) thì tội này chưa hoàn thành. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

* Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên (phạm tội thuộc Khoản 1) hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (phạm tội thuộc khoản 2, 3, 4) và có năng lực trách nhiệm hình sự.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.

3. Về hình phạt Điều 171 quy định 04 khung hình phạt:

- Người phạm tội quy định tại Khoản 1 thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Người phạm tội quy định tại Khoản 2 thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau:

+ Có tổ chức (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Có tính chất chuyên nghiệp (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Dùng thủ đoạn nguy hiểm (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Hành hung để tẩu thoát. Đây là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ. (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

+ Tái phạm nguy hiểm (Xem Bình luận Khoản 2 Điều 168).

- Người phạm tội quy định tại khoản 3 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh (Xem Bình luận Khoản 3 Điều 168).

- Người phạm tội quy định tại khoản 4 thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, áp dụng đối với các trường hợp phạm tội sau: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp (Xem bình luận Khoản 4 Điều 168).

- Người chuẩn bị phạm tội cướp giật tài sản thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 


Xem: Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ngày 25/12/2001về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự 1999.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)