Miễn chấp hành hình phạt. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát,

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Quy định miễn chấp hành hình phạt theo Bộ luật hình sự.


Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt

1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.


Bình luận

Đây là các trường hợp mà pháp luật dự liệu đối tượng bị kết án được miễn chấp hành hình phạt. Theo đó đối tượng bị kết án ở đây chỉ đề cập đến chủ thể là cá nhân người phạm tội mà không bao gồm chủ thể là pháp nhân thương mại và đồng thời việc miễn chấp hành hình phạt cũng bị giới hạn lại ở những loại hình phạt nhất định như: phạt tù, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cấm cư trú, quản chế. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết từng trường hợp cụ thể như sau:

1. Khi được đặc xá hoặc đại xá

Đây là trường hợp đầu tiên nhưng cũng là trường hợp đặc biệt nhất trong số các trường hợp được liệt kê tại điều luật này. Điểm đặc biệt được biểu hiện dưới các khía cạnh sau đây:

- Người bị kết án đương nhiên được miễn chấp hành hình phạt: Nếu như các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt còn lại phụ thuộc vào quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc có cho phép người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt hay không sau khi xem xét nhiều yếu tố tương ứng thì đối với trường hợp này khi có quyết định đặc xá hay đại xá thì ngay lập tức người bị kết án được hưởng quyền miễn chấp hành hình phạt liền mà không phụ thuộc thêm vào bất kỳ điều kiện hay sự xem xét của Cơ quan nào khác.

- Cơ quan quyết định: Chủ tịch nước (đặc xá), Quốc hội (đại xá).

- Hình phạt được áp dụng: Nếu như các trường hợp khác việc áp dụng qui định miễn chấp hành hình phạt đa số chỉ được áp dụng cho những loại hình phạt mà hành vi của nó không gây nguy hiểm cao cho xã hôi hay nói cách khác phạm tội ít nghiêm trọng như: cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn đến 3 năm, bị phạt tiền, quản chế, cấm cư trú thì trường hợp này người bị kết án có thể phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và thậm chí đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

- Về đối tượng được áp dụng: Chỉ áp dụng đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt.

- Cơ quan quyết định: Tòa án quyết định trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng viện kiểm sát.

- Điều kiện để xem xét áp dụng:

+ Sau khi bị kết án đã lập công:

Như vậy hiểu như thế nào là trường hợp người bị kết án đã lập công mà căn cứ vào đó các Cơ quan có liên quan theo qui định tại Điều này sẽ thực hiện việc miễn chấp hành hình phạt cho người bị kết án. Để có một cơ sở chung thống nhất khi áp dụng thì hiện nay pháp luật chưa có qui định mà chỉ có thể căn cứ vào tình hình thực tế, hành vi cụ thể mà các Cơ quan có thẩm quyền xem xét, một số trường hợp như: người bị kết án hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan trong việc điều tra; cứu giúp người khác trong lúc hoạn nạn, khó khăn; có những phát minh mang lại hiệu quả cao khi áp dụng vào đời sống xã hội…việc lập công có thể được thể hiện ở rất nhiều hành động, trong mọi lĩnh vực nhưng tựu trung để được xem xét áp dụng qui định này thì hành động/việc làm đó phải được xã hội ghi nhận.

+ Người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo:

Yếu tố này xuất phát từ bản thân người phạm tội, họ mắc những loại bệnh mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng như ung thư, bệnh tim, bại liệt, HIV giai đoạn cuối ….

+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội.

Nếu người bị kết án đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên thì được Tòa án xem xét áp dụng cho miễn chấp hành hình phạt. Và cũng khẳng định vì đây không phải là trường hợp đương nhiên được miễn nên việc có được miễn hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà cụ thể là Tòa án.

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nêu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Tương tự như trường hợp được nêu trên thì việc xem xét cũng được dựa trên các yếu tố như người bị kết án lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tuy nhiên đối tượng áp dụng chỉ thực hiện đối với người bị kết án có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt. Đồng thời nếu theo qui định tại khoản 2 Điều này, việc miễn chấp hành hình phạt có thể được xem xét áp dụng khi người bị kết án đạt được một trong các điều kiện được nêu nhưng đến đây việc xem xét không đơn thuần dừng lại ở từng điều kiện riêng lẻ mà phải đảm bảo được điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần là người bị kết án phải đảm bảo được một trong hai điều kiện: Thứ nhất - lập công lớn, thứ hai - mắc bệnh hiểm nghèo, điều kiện đủ là người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Việc xem xét một người mắc bệnh hiểm nghèo có còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không có thể được xác định một cách nhanh chóng, ví dụ: một người bị kết án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy mắc bệnh bại liệt nằm một chỗ, không thể di chuyển, mọi hoạt động thường nhật phụ thuộc vào người thân thì không có lý do gì để cho rằng người này còn nguy hiểm cho xã hội hoặc người này bị bệnh ung thư giai đoạn cuối sức khỏe yếu cũng là cơ sở xác định tính nguy hiểm cho xã hội của họ không còn nữa. Xét đến vấn đề đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội còn hay không khi người bị kết án lập công lớn là một việc khó xác định và không mang tính tuyệt đối mà chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố niềm tin cộng chính sách nhân đạo để hướng người phạm tội đến một cuộc sống có ích cho xã hội, một công dân gương mẫu.

4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nêu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Đối tượng được áp dụng: Người bị kết án phạt tù đến 03 năm và hình phạt đã bị tạm đình chỉ. Các trường hợp nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều luật này đều qui định đối tượng bị kết án phải chưa chấp hành hình phạt, trường hợp đang chấp hành hình phạt thì không thuộc đối tượng được áp dụng mà chỉ được xem xét khi thuộc trường hợp được đặc xá hoặc đại xá theo quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, trường hợp này người bị kết án phạt tù đã bị đình chỉ chấp hành hình phạt, điều này đồng nghĩa với việc người bị kết án đang thực hiện nghĩa vụ chấp hành hình phạt nhưng vì một lý do nào đó mà hình phạt đang chấp hành bị tạm đình chỉ trong một khoảng thời hạn nhất định. Chắc chắn việc tạm đình chỉ ở đây không xuất phát từ các yếu tố như lập công lớn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy trong khoảng thời hạn này mà người bị kết án đáp ứng được các điều kiện như: lập công lớn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và xét thấy người này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì người bị kết án sẽ được xem xét cho miễn chấp hành phần hình phạt còn lại mà theo đó nếu không có các yếu tố nêu trên thì khi hết thời hạn tạm đình chỉ người bị kết án phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Đây là trường hợp được miễn chấp hành hình phạt hoàn toàn mới so với các qui định trước đây. Căn cứ theo qui định tại Điều 32 Bộ luật này về các hình phạt áp dụng đối với người phạm tội thì phạt tiền vừa có thể được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Như vậy, một vấn đề được đặt ra là việc miễn chấp hành hình phạt được áp dụng khi hình phạt tiền là hình phạt chính hay bổ sung hoặc cả hai trường hợp đều có thể được áp dụng nếu như người bị kết án đáp ứng được các điều kiện luật định? Về vấn đề này sẽ được tác giả bình luận chi tiết trong phần kế tiếp và bây giờ chúng ta hãy cũng tìm hiểu các điều kiện nào để người bị kết án có thể được xem xét áp dụng qui định miễn chấp hành hình phạt.

- Thứ nhất: lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn kéo dài và tình trạng này xuất phát do tác động của thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau dẫn đến họ mất khả năng tài chính để có thể tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại. Ví dụ A bị áp dụng hình phạt tiền với mức phạt là 200,000,000 VNĐ, sau khi chấp hành được 1/2 hình phạt, A bị tai nạn nên không thể tiếp tục lao động, mọi tài sản hiện có đều được sử dụng cho việc chữa trị, thuốc men, tuy nhiên A không thể hồi phục hoàn toàn và không thể tự lao động, mọi chi phí, sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Đây có thể được xem xét là trường hợp lâm vào hoàn cảnh khó khăn và đồng thời mất khả năng chấp hành phần hình phạt tiền còn lại. Tuy nhiên nếu đặt vào trường hợp, mặc dù hết tài sản nhưng A bình phục hoàn toàn thì khả năng chấp hành hình phạt của A vẫn còn, A vẫn có thể tiếp tục lao động để chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Thứ hai: lập công lớn, trường hợp này không xem xét để đánh giá khả năng tài chính của người phạm tội mà dựa trên những thành tích, thành quả …mà họ mang lại cho xã hội. Như thế nào được xem là lập công lớn thì tác giả đã phân tích, dẫn chứng đối với các trường hợp miễn chấp hành hình phạt nêu trên. 

- Thứ ba: đây chính là yếu tố mang tính quyết định để xem xét người bị kết án có được miễn chấp hành hình phạt hay không là ý thức chấp hành hình phạt của người phạm tội. Việc chấp hành nghiêm túc bản án thể hiện được thái độ ăn năn, nhận thức được lỗi của người phạm tội, do vậy việc Bộ luật hình sự hiện hành lấy thước đo về ý thức để đánh giá việc có nên miễn chấp hành hình phạt cho người phạm tội hay không là hoàn toàn chính xác, thể hiện đầy đủ chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ người phạm tội khi họ lâm vào tình cảnh khó khăn hoặc khi họ có những đóng góp nhất định. Chính vì vậy, nếu người bị kết án không tích cực chấp hành một phần hình phạt thì cho dù họ có rơi vào các điều kiện được nêu trên đi nữa thì hoàn toàn vẫn không có cơ sở nào để xem xét miễn chấp hành hình phạt cho họ. 

6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Đây là trường hợp miễn chấp hành hình phạt đối với các hình phạt bổ sung, mà cụ thể là hình phạt cấm cư trú và quản chế. Thời hạn hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế được nêu tại bản án mà người bị kết án chỉ khi nào chấp hành được một phần hai thời hạn đó, đồng thời cải tạo tốt thì mới được xem xét miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Đây là hai điều kiện bổ trợ cho nhau, mà chỉ khi nào đạt được đồng thời hai điều kiện này thì người bị kết án mới được Tòa án có thẩm quyền xem xét sau khi có đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự.

7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Từ trường hợp 1 đến trường hợp 6 là các trường hợp mà người bị kết án được miễn hoặc xem xét miễn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên việc miễn chấp hành hình phạt không đồng nghĩa với việc miễn cả trách nhiệm dân sự nếu có được nêu trong bản án này hoặc bằng một bản án khác nếu vụ việc dân sự được tách thành một vụ án riêng biệt. Việc chấp hành các hình phạt được nêu tại Bộ luật hình sự là thể hiện chế tài của Nhà nước đối với người phạm tội nên Nhà nước có toàn quyền trong việc ban hành các chính sách, qui định nhằm hướng đến việc miễn, giảm trách nhiệm hình sự, trách nhiệm chấp hành hình phạt của người phạm tội hay nói cách khác là thực hiện các chính sách nhân đạo đối với tội phạm. Đó là xét đến trách nhiệm hình sự - một trách nhiệm mà người phạm tôi chỉ thực hiện với Nhà nước, còn trách nhiệm dân sự - một trách nhiệm chỉ được thực hiện bởi và giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức với nhau nên một bên có nghĩa vụ chỉ được giảm, miễn khi và chỉ khi có sự chấp thuận của bên có quyền và Nhà nước không can thiệp vào các mối quan hệ này. Chính vì vậy khi một bản án đặt ra trách nhiệm hình sự lẫn dân sự cho người bị kết án thì đương nhiên khi người bị kết án được hưởng quyền miễn chấp hành hình phạt theo qui định tại Bộ luật hình sự không đương nhiên làm mất đi trách nhiệm dân sự của người đó. 

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)