Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên


1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Bình Luận

Cùng với qui định về miễn chấp hành hình phạt tại Điều 62 thì qui định về giảm mức hình phạt đã tuyên là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với tội phạm. Ngay tại Điều 1 Bộ luật hình sự đã thể hiện nhất quán nhiệm vụ của Bộ luật này trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, theo đó qui định vấn đề trừng phạt các hành vi xâm phạm đến các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ, đồng thời giáo dục mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật. Và khi một hình phạt áp dụng cho một hoặc một số hành vi phạm tội thì vấn đề này không đồng nghĩa với việc hình phạt phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ trên thực tế. Hình phạt đã tuyên có thể được miễn hoặc giảm một phần dựa trên hoàn cảnh, thái độ, ý thức chấp hành của chính người phạm tội. Điều này không chỉ giúp người phạm tội ăn năn, hối cải, nhận thức được sai lầm của mình mà còn tạo động lực cho họ trong việc phấn đấu cải tạo tốt nhằm hưởng các chính sách khoan hồng của Nhà nước, sớm quay về với đời sống xã hội thường nhật, trở thành công dân tốt cho xã hội. Điều 62 đã qui định rõ những trường hợp nào người bị kết án được xem xét áp dụng qui định về miễn chấp hành hình phạt, vậy chế định giảm hình phạt đã tuyên được thực hiện như thế nào? Đối tượng áp dụng ra sao cũng như các hậu quả pháp lý phát sinh?

1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
- Đối tượng áp dụng: xuất phát từ tính chất của mỗi qui định cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội phạm mà đối tượng áp dụng của hai chế định miễn và giảm hình phạt có những nét khác biệt cơ bản. Nếu qui định về miễn chấp hình chấp hành hình phạt chỉ được thực hiện với tội phạm ít nghiêm trọng là chủ yếu thì qui định về giảm hình phạt còn được áp dụng đối với loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng. Xét về bản chất cũng như hậu quả pháp lý của từng chế định thì việc phân loại này là hoàn toàn hợp lý, miễn chấp hành hình phạt ngay lập tức giải phóng người phạm tội khỏi chế tài tương ứng. Tuy nhiên chế định giảm hình phạt chỉ giúp người phạm tội giảm trách nhiệm phải gánh chịu chế tài bị áp dụng, với các loại tội như vậy nên không thể vào một thời điểm mà giải phóng họ khỏi trách nhiệm đối với hành vi phạm tội đã thực hiện. Xuất phát từ đặc điểm này mà đối tượng áp dụng đối với chế định giảm hình phạt đã tuyên được mở rộng hơn nhiều, cụ thể như: người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

+ Cải tạo không giam giữ: Đây là chủ thể của chế định miễn chấp hành hình phạt và chế định giảm hình phạt đã tuyên. Tuy nhiên việc áp dụng được thực hiện trong các trường hợp với những điều kiện hoàn toàn khác nhau. Nếu theo qui định tại khoản 2 Điều 62 thì hình phạt này phải chưa được chấp hành, đồng thời người bị kết án phải hội tụ một trong ba trường hợp như lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, còn qui định về giảm hình phạt thì đối tượng này phải chấp hành được một khoảng thời hạn nhất định và khoảng thời hạn này được xác định là một phần ba đối với lần xét giảm đầu tiên. Ngoài điều kiện về thời hạn tối thiểu thì người phạm tội còn phải có những dấu hiệu tích cực về ý thức cải tạo, chấp hành bản án mà theo qui định của Điều luật được cho là người phạm tội có tiến bộ. Để đánh giá người bị kết án có tiến bộ hay không còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Đồng thời đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. 

+ Tù có thời hạn, tù chung thân: Thời hạn để được xem xét miễn một phần hình phạt lần đầu đối với tù có thời hạn là người phạm tội đã chấp hành được một phần ba thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân. Bên cạnh qui định về thời hạn thì các yếu tố khác để đánh giá sự tiến bộ của người phạm tội cũng là nhân tố mang tính quyết định việc người phạm tội có được miễn một phần hành phạt hay không. 

2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

Pháp luật hiện hành không giới hạn số lần miễn hình phạt cho người phạm tội. Tuy nhiên bên cạnh việc thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những ai thật sự biết ăn năn, hối cải, mong muốn có cơ hội sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời thì việc đảm bảo tính nghiêm minh, đặt ra những giới hạn nhất định cũng là vấn đề rất đáng được lưu tâm. Một người đang chấp hành hình phạt, để có sơ sở xem xét giảm thì bắt buộc họ phải chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, mười hai năm đối với tù chung thân. Và một người không bị giới hạn số lần được miễn hình phạt nhưng phải đảm bảo được thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể được một phần hai mức hình phạt đã tuyên, đối với tù chung thân thì thời hạn thực tế chấp hành là hai mươi năm. Việc đưa ra các mức giới hạn nêu trên nhằm đảm bảo người phạm tội không thể lợi dụng, cấu kết với các bên liên quan nhằm né tránh các chế tài luật định. 

3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Đây là trường hợp giảm chấp hành hình phạt đối với tù chung thân, tuy nhiên qui định này có điểm khác biệt nhất định. Theo đó, khi một người bị kết về nhiều tội mà trong số tội bị kết án có áp dụng hình phạt tù chung thân, nghĩa là hành vi phạm tội thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn để xem xét giảm hoặc thời hạn chấp hành thực tế có điểm khác biệt so với trường hợp một người bị kết án một tội mà tội đó áp dụng hình phạt tù chung thân. Cụ thể: thời hạn để xem xét giảm lần đầu là mười lăm năm, thời hạn chấp hành thực tế phải đạt hai mươi lăm năm. 

4.Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Trước tiên cần nắm bắt hình phạt chung được xác định như thế nào, theo qui định tại Điều 56 Bộ luật hình sự thì khi xét xử một người đang chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì sau khi có quyết định hình phạt, Tòa án sẽ tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của hình phạt trước rồi quyết định hình phạt chung. Như vậy đối với các qui định tại khoản này thì hình phạt chung được tính dựa trên thời hạn còn lại của hình phạt trước đó kể cả việc trừ thời hạn được miễn chấp hành hình phạt và tổng hợp với hình phạt của hành vi phạm tội mới. Việc một người phạm tội đã được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước khi xem xét miễn chấp hành một phần hình phạt nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì cần đánh giá lại ý thức chấp hành, nhưng không vì thế mà người phạm tội lại không nhận được sự khoan hồng từ các chính sách, qui định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với các trường hợp này, người phạm tội chỉ được miễn chấp hành một phần hình phạt sau khi đáp ứng điều kiện về thời hạn có tính nghiêm nghặt hơn. Cụ thể:

- Phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý: chỉ được xem xét giảm hình phạt lần đầu khi chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt chung.

- Phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng: xem xét giảm hình phạt lần đầu khi chấp hành được hai phần ba hình phạt chung. Trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì sau khi chấp hành được mười lăm năm tù thì mới có cơ sở để giảm hình phạt.

6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Đối với các trường hợp người bị kết án từ hình được ân giảm hoặc người bị kết án từ hình thuộc trường hợp qui định tại điểm b (Người đủ 75 tuổi trở lên) hoặc điểm c (Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) khoản 3 Điều 40 Bộ luật này thì có sự chuyển hóa hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân. Và việc giảm hình phạt tù chung thân lần đầu chỉ được thực hiện khi người bị kết án đã chấp hành được ít nhất hai mươi lăm năm tù. Số lần giảm hình phạt không bị giới hạn nhưng cho dù người bị kết án có được giảm bao nhiêu lần thì phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là ba mươi năm. 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)