Điều 60. Thời hiệu thi hành bản án theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 60. Thời hiệu thi hành bản án


1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:

a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;

b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;

c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;

d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.

4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

Bình Luận

Tại Điều 27, đã bàn luận đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đến đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về thời hiệu thi hành bản án hình sự. Đây rõ ràng khác biệt với hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra nhằm mục đích điều tra, truy tố và đưa tội phạm ra xét xử, đồng thời nó cũng đặt ra một giới hạn nhất định cho hoạt động truy cứu của các Cơ quan tố tụng và tất nhiên giai đoạn truy cứu sẽ kết thúc bằng một bản án có hiệu lực pháp luật khi có đủ căn cứ kết luận tội phạm hoặc bằng một quyết định đình chỉ vụ án khi không có căn cứ để kết luận tội phạm. Nhằm đảm bảo các nguyên tắc tố tụng cũng như nhanh chóng đưa bản án có hiệu lực pháp luật đi vào thi hành hay nói cách khác là đối tượng bị kết án phải chấp hành các hình phạt được thể hiện trong bản án đó thì cần phải qui định một thời hạn tương ứng. Trước khi đi sâu vào tìm hiểu các qui định của Điều luật về thời hiệu thi hành bản án hình sự, chúng ta cần nhận thức và nắm bắt về mặt khái niệm của qui định.

1.Khái niệm: thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này qui định mà khi kết thúc thời hạn đó thì người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải thi hành bản án đã tuyên. 

Đặc điểm thời hiệu:

- Là thời hạn do Bộ luật hình sự qui định, nghĩa là việc thi hành bản án phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, có điểm bắt đầu và có điểm kết thúc. Nó bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và kết thúc khi hết một khoảng thời hạn luật định.

- Hậu quả pháp lý của việc không thi hành bản án trong thời hạn do luật định: Khi kết thúc thời hạn mà bản án đã tuyên, có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không được thi hành thì đương nhiên những đối tượng bị kết án sẽ không phải thi hành bản án đó nữa.

2.Thời hạn: Một số qui định của pháp luật hình sự khi đáng giá tội phạm thường dựa trên mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội hay nói cách khác là dựa vào loại tội phạm, loại tội phạm đó được thể hiện ở các mức độ mà chúng ta đã tìm hiểu như: tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Tương ứng với từng loại tội phạm mà pháp luật phân hóa loại hình phạt cũng như thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự khác nhau, đối với hành vi phạm tội càng nguy hiểm thì hình phạt, thời hiệu truy cứu theo đó cũng càng cao, nó tương thích, tỷ lệ thuận, phản ánh được ý chí, tính nghiêm khắc trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của giai cấp thống trị. Không ngoại lệ, việc qui định thời hạn thi hành bản án tuy không chỉ đích danh căn cứ vào loại tội phạm như một số qui định khác nhưng xét cho cùng việc các nhà làm luật dựa vào hình phạt cụ thể cũng là gián tiếp căn cứ trên loại tội phạm mà cụ thể hóa thời hiệu thi hành bản án cho tương xứng. Bởi lẽ, thời hiệu thi hành bản án gia tăng theo mức độ của hình phạt mà trong khi đó mức độ hình phạt lại gia tăng/tỷ lệ thuận theo loại tội phạm. Theo đó:

- 05 năm đối với: phạt tiền; cải tạo không giam giữ; phạt tù có thời hạn dưới 03 năm.

- 10 năm đối với: phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm.

- 15 năm đối với: phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm.

- 20 năm đối với: tù chung thân, tử hình.

Đối chiếu với các qui định trước đây thì cách qui định thời hiệu tại Điều này có điểm mới hoàn toàn khác biệt. Cụ thể Bộ luật hình sự 1999 qui định: “Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, tù chung thân được chuyển thành tù ba mươi năm”. Với cách qui định này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, rất khó áp dụng trên thực tế như sau:

- Không đưa ra được thời hiệu cụ thể mà phụ thuộc vào ý chí của các Cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể ở đây là quyền quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc quyết định một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người phạm tội mà còn ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội lại do một cá nhân thực hiện thì không thể đảm bảo được yếu tố khách quan.

- Việc thi hành một bản án có hiệu lực pháp luật thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của những Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhất định. Do vậy cần qui định thời hiệu để đưa ra một giới hạn nhất định cho các Cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghĩa vụ của mình và khi hết thời hiệu đó mà bản án không được thi hành thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Đồng thời việc qui định thời hiệu còn nhằm đảm bảo những quyền cơ bản, nhất định của con người, mặc dù hành vi phạm tội của họ đã gây ra hậu quả nghiệm trọng, tác động đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và cần đặt ra các chế tài nghiêm khắc nhưng việc không thi hành các chế tài không phải xuất phát từ yếu tố lỗi của người bị kết án mà nó lại xuất phát từ phía các Cơ quan Nhà nước khi không tổ chức thi hành bản án. Do vậy, khi không có lỗi thì người phạm tội đương nhiên được hưởng quyền không chấp hành hình phạt tương ứng khi đã quá thời hiệu thi hành mà bản án không được thực hiện.

- Điều luật này tại Bộ luật hình sự 1999 đã đưa ra được một mốc thời hạn là “sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm”, vậy với cách qui định này chúng ta có được quyền hiểu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tù chung thân và tử hình có phải là mười lăm năm hay không hay một khoảng thời gian khác dài hơn? Nếu cho rằng thời hiệu là mười lăm năm thì hoàn toàn không phù hợp vì đối với hình phạt tù có thời hạn trên mười lăm năm đến ba mươi năm đã qui định thời hiệu mười lăm năm thì không có lý do gì mà chúng ta lại áp dụng thời hiệu này trong khi đối với hình phạt tù chung thân hay tử hình thì đương nhiên ai trong chúng ta đều hiểu hành vi phạm tội là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, nó nguy hiểm đến mức mà người thực hiện hành vi bị xem xét là cần thiết phải loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Như vậy cách hiểu này hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên nếu xét thêm một yếu tố nữa thì có lẽ chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Nội dung Điều luật thể hiện khi đã qua mười lăm năm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc có áp dụng thời hiệu hay không theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy với ý kiến cho rằng thời hiệu thi hành bản án đối với tù chung thân và tử hình là mười lăm năm không phải là hoàn toàn sai, mà nó đúng ở khía cạnh đây là thời hạn tối thiểu để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc có áp dụng thời hiệu hay không. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định áp dụng thời hiệu thì người bị kết án tù chung thân hoặc tử hình đương nhiên không phải chấp hành bản án này nữa và trường hợp này thì thời hiệu áp dụng là mười lăm năm. Còn trường hợp không áp dụng thời hiệu, khung hình phạt giảm xuống khung liền kề, tử hình xuống chung thân, chung thân xuống tù có thời hạn ba mươi năm.

Từ những phân tích nêu trên, rõ ràng qui định tại Bộ luật hình sự trước đây là hoàn toàn không phù hợp, bất cập. Do vậy với qui định thời hiệu thi hành bản án: “20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình” tại Bộ luật hình sự hiện hành đã khắc phục được những điểm còn bất cập của luật cũ.

3.Thời hiệu thi hành bản án đối với pháp nhân thương mại: Đây là chủ thể mới của Luật hình sự, nếu như trước đây chủ thể này không bị xem xét hình sự hóa hành vi thì đến nay nhiều hành vi đã bị định danh tội phạm với các chế tài tương ứng. Pháp luật qui định thời hiệu thi hành bản án áp dụng đối với chủ thể là pháp nhân thương mại chỉ ở một mức nhất định mà không có sự phân hóa như chủ thể là cá nhân người phạm tội và chính vì vậy mà thời hiệu cũng không bị phụ thuộc vào loại hình phạt áp dụng được nêu trong bán ản. Theo đó thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 5 năm.

4.Thời điểm tính thời hiệu: khi xác định thời điểm tính thời hiệu thi hành bản án đối với một đối tượng (đối tượng này có thể là cá nhân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại) thì cần phải căn cứ vào các yếu tố sau:

- Từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật: như vậy bản án sẽ có hiệu lực từ khi nào? Căn cứ vào đâu để xác định một bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa? Về vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét các qui định tương ứng tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, việc xác định hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm căn cứ Điều 343 Bộ luật này, cụ thể: “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”. Đối với Bản án phúc thẩm, khoản 2 Điều 355 qui định: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án”.

- Không thực hiện hành vi phạm tội mới: Như vậy để thời hiệu được liên tục, không rơi vào trường hợp bị tính lại thì trong thời hạn áp dụng thời hiệu, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong khoảng thời hạn này, mà đối tượng bị kết án lại thực hiện một hành vi mới và hành vi này theo bản án kết luận của Tòa án có thẩm quyền là phạm tội thì thời hiệu đối với tội đang bị áp dụng sẽ được tính lại từ ngày thực hiện hành vi phạm tội đó. Đến đây có một vấn đề được đặt ra: Trước đây, về vấn đề này pháp luật hình sự qui định: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới”. Có thể thấy, theo qui định này thì thời điểm bắt đầu tính lại từ ngày phạm tội mới, cách qui định này có thể hiểu như qui định hiện nay là tính từ ngày thực hiện hành vi phạm tội hay không? Nếu không thì cần phải xác định như thế nào?

5.Về nguyên tắc thì thời hiệu thi hành bản án được tính kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tẩu thoát, tìm mọi cách cố tính trốn tránh việc áp dụng các chế tài được nêu trong bản án thì thời hiệu được bắt đầu tính hoặc tính lại khi người này ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

Điều kiện áp dụng: Khi và chi khi đáp ứng đầy đủ hai điều kiện sau thì thời hiệu mới được tính lại, cụ thể:

- Người bị kết án cố tình trốn tránh: Việc cố tính trốn tránh này có nghĩa là người bị kết án tìm mọi cách để né tránh việc áp dụng các chế tài được nêu trong bản án, thể hiện ở một số hành vi như: phẩu thuật thẩm mỹ để thay đổi hình dạng bên ngoài, thay đổi nơi ở, thay đổi họ tên, bỏ trốn ra nước ngoài …

- Đã có quyết định truy nã: đây rõ ràng là yếu tố quyết định việc có cơ sở để tính lại thời hiệu hay không vì nếu người bị kết án trên thực tế có thực hiện hành vi cố tình trốn tránh đi nữa mà Cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ra quyết định truy nã có hiệu lực thì dù thời hiệu đã trôi qua bao nhiêu cũng hoàn toàn không có căn cứ để tính lại thời hiệu.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)