Đại diện theo pháp luật của cá nhân (Điều 136)

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Đại diện theo pháp luật của cá nhân (Điều 136).


1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

 

Bình luận:

Để đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân không có hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự cũng như đảm bảo sự ổn định trong giao dịch dân sự, pháp luật xác định người đại diện theo pháp luật của cá nhân chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân mất năng lực hành vi dân sự (là người giám hộ của cá nhân đó) có quyền nhân danh người được giám hộ xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ.

Người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể là:

Cha, mẹ đối với con chưa thành niên: Cha, mẹ chỉ có thể là người giám hộ của con nếu con mất năng lực hành vi dân sự (khoản 3 Điều 53 BLDS năm 2015) còn đối với con chưa thành niên thì cha, mẹ là đồng đại diện theo pháp luật của con.

-  Người giám hộ đối với người được giám hộ:

+ Người giám hộ của cá nhân chưa thành niên theo Điều 52 BLDS năm 2015 được xác đinh theo thứ tự sau:

1.Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị ruột là chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;

2.Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này có thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;

3.Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

 + Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 53 BLDS năm 2015 được xác định:

1.Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ lầ người giám hộ;

2.Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ;

3.Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng,con hoặc có mà vợ, chồng, con không đủ điều  kiện làm người giám hộ thì cha mẹ làm  người giám hộ.

Ngoài ra, người được cử, chỉ định làm người giám hộ cho cá nhân chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự còn được xác định theo Điều 54 BLDS năm 2015.

Với xác định trên thì người đại diện theo pháp luật của cá nhân (chính là người giám hộ của họ) có thể là một trong những người sau đây:

Anh cả hoặc chị cả của người chưa thành niên; anh tiếp theo hoặc chị tiếp theo của người chưa thành niên (chỉ một người đại diện); ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người chưa thành niên (đồng đại diện); vợ hoặc chồng của  người mất năng lực hành vi dân sự, cha, mẹ của con mất năng lực hành vi dân sự (đồng đại diện); pháp nhân, cá nhân được cử, chỉ định làm người giám hộ.

Người do Tòa án chỉ định: Trong trường hợp không xác định được người đại diện theo quy định của pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật của các cá nhân đó.

Người đại diện theo pháp luật của cá nhân chưa thành niên (cha, mẹ hoặc người giám hộ của cá nhân đó) có quyền cho hoặc không cho cá nhân chưa thành niên xác lập, thực hiện giáo dịch dân sự nếu giao dịch đó không vì mục đích thảo mãn nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và không phù hợp với nhận thức lứa tuổi của cá nhân đó. Người đại diện theo pháp luật của cá nhân chưa thành niên (cha, mẹ hoặc người giám hộ của cá nhân đó) có quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của cá nhân được đại diện nếu cá nhân được đại diện không đủ điều kiện để xác lập và thực hiện giao dịch.

Quy định của Điều 136 về người đại diện theo pháp luật của cá nhân cho thấy người đại diện của người chưa thành niên có thể là cha mẹ, có thể là người giám hộ của người chưa thành niên đó. Vì vậy, cần xác định rõ trường hợp người thanh niên còn cha, mẹ và cha mẹ đều có năng lực hành vi dân sự nhưng lại có người khác giám hộ (do cha mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ - Đoạn cuối điểm b khoản 1 BLDS năm 2015) thì người đại diện cho người chưa thành niên là cha, mẹ hay người giám hộ? Dù quy định  này của pháp luật chưa cụ thể nhưng có thể hiểu theo logic: cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên nhưng khi có yêu cầu người khác giám hộ cho con thì đồng nghĩa với việc cha, mẹ chuyển giao quyền đại diện cho người giám hộ của con chưa thành niên.

Đây là quy định được sửa đổi, bổ sung so với BLDS năm BLDS năm 2005. Nghiên cứu quy định này, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề chưa hợp lý như sau:

Thứ nhất, khoản 3 và đoạn 2 khoản 2 Điều này có sự mâu thuẫn với nhau. Theo đoạn 2 khoản 2 Điều này, người đại diện của người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi sẽ do Tòa án chỉ định. Tuy nhiên, khoản 3 Điều này lại đưa ra nguyên tắc xác định người đại diện cho những người thuộc khoản 1 và khoản 2 trên cơ sở chỉ định của Tòa án khi không xác định được người đại diện. Vậy có thể hiểu, nếu không xác định được người đại diện cho người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi tại khoản 2 (kể cả trường hợp không xác định được do Tòa án không chỉ định) thì Tòa án sẽ chỉ định người đại diện cho họ theo quy định tại khoản 3. Rõ ràng, quy định trong hai khoản này mâu thuẫn và chồng chéo nhau, khiến cho quy định không rõ ràng;

Thứ hai, không cần thiết phải tách hai khoản 2 và 3, bởi nội dung của hai khoản này là tương tự nhau, đều xác định người đại diện của cá nhân theo quyết định của Tòa án.


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)