Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Xử lý tài sản bảo đảm bằng con đường khởi kiện tại Tòa án.
Trong bối cảnh nền tư pháp của Việt Nam hiện nay, thủ tục khởi kiện bên vay/bên bảo đảm ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc trả nợ thường kéo dài 2 – 3 năm và phát sinh nhiều chi phí. Cho nên, các ngân hàng quan ngại với phương thức thu nợ bằng biện pháp khởi kiện khách hàng ra Tòa án. Hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, khởi kiện khách hàng ra Tòa án là biện pháp “cực chẳng đã”, không còn sự lựa chọn nào khác để xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ. Thế nhưng khi nộp đơn khởi kiện bên vay và/bên bảo đảm ra Tòa án, quyền khởi kiện của ngân hàng chưa chắc được bảo đảm, ngay cả khi có được bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, việc xử lý tài sản bảo đảm của người phải thi hành án cũng không dễ dàng:
1. Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do địa chỉ của bị đơn ghi trong Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm không phải là địa chỉ hiện tại. Theo quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng, trước khi cấp tín dụng cho khách hàng, ngân hàng tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, thông tin về khách hàng. Tất nhiên, khách hàng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác và đầy đủ của các thông tin ghi trong hồ sơ vay vốn. Thông tin về địa chỉ của khách hàng phải khớp đúng với thông tin ghi trong chứng minh nhân dân, hộ khẩu (đối với khách hàng cá nhân) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với khách hàng doanh nghiệp). Ðịa chỉ của khách hàng có thể được cán bộ tín dụng đi kiểm tra, xác minh thực tế. Khách hàng phải thông báo kịp thời cho ngân hàng khi thay đổi địa chỉ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng. Việc khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng có thể thực hiện bằng cách chuyển đến cứ trú tại một địa chỉ mới mà không thông báo cho ngân hàng như cam kết. Việc khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng và cố tình không trả nợ vay cho ngân hàng lẽ ra cần được Tòa án thụ lý giải quyết và tuyên bản án nghiêm khắc đối với bên vi phạm để giữ gìn trật tự môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm. Tiếc thay, trong thời gian qua, Tòa án ở một số địa phương đã không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do bị đơn không có mặt tại địa chỉ ghi trong đơn khởi kiện. Sau khi nhận được thông báo của Tòa, nhiều ngân hàng và cả Hiệp hội ngân hàng đã gửi văn bản cho các cơ quan chức năng (bao gồm cả Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao) kiến nghị việc Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nêu trên là không phù hợp vì theo quy định tại điểm 8.6 mục 8 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HÐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Ðối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Tòa án nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”. Nhưng cho đến nay, kiến nghị của Hiệp hội ngân hàng và các ngân hàng về quyền khởi kiện của ngân hàng đối với những khách hàng bỏ trốn khỏi nơi cư trú – địa chỉ ghi trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm vẫn chưa được người/cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.
2. Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong nền kinh tế thị trường, thời gian thu hồi vốn là rất quan trọng đối với ngân hàng để quay vòng vốn, tái đầu tư, tạo lợi nhuận phát triển kinh doanh. Thực tế, sau khi thụ lý đơn khởi kiện và hòa giải không thành, Tòa án ở một số địa phương đã không quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn tố tụng do pháp luật quy định (thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan). Thực tế, có vụ án kéo dài đến 2 năm kể từ ngày thụ lý vụ án mà Tòa án vẫn không mở phiên tòa xét xử. Khi ngân hàng đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật thì thẩm phán phụ trách vụ án trả lời Tòa án đang xác minh lại tình trạng của tài sản bảo đảm (diện tích đất, chủ sở hữu tài sản…) theo hướng dẫn của Tòa án cấp trên trực tiếp. Ngân hàng cho rằng, Tòa án cấp dưới có trách nhiệm thực hiện nghiệp vụ theo hướng dẫn của Tòa án cấp trên trực tiếp nhưng không được vi phạm thời gian tố tụng quy định tại Ðiều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự (văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất do Quốc hội thông qua). Do đó, ngân hàng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại việc vi phạm thời gian tố tụng của Tòa án đến Chánh án Tòa án đó, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp. Thực tế ở TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều lần ngân hàng gửi đơn thư khiếu nại về việc nêu trên, không có người/cơ quan nào nhận đơn thư khiếu nại có văn bản hồi âm, trả lời ngân hàng.
3. Yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của người phải thi hành án. Ðể thu hồi nợ vay theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, ngân hàng đã gửi đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án cũng đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau khi cơ quan thi hành án ký hợp đồng với trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm, người phải thi hành án đã lợi dụng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để cản trở việc bán tài sản bảo đảm, trả nợ vay cho ngân hàng. Cụ thể, Luật thi hành án dân sự 2012 cho phép đương sự có quyền định giá lại tài sản kê biên trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Giá tài sản do tổ chức thẩm định giá xác định là giá khởi điểm để bán đấu giá. Ngay sau khi kê biên tài sản, người phải thi hành án có quyền ưu tiên lựa chọn và thỏa thuận thuê tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản kê biên. Do đó, giá tài sản được định giá thường cao hơn giá thị trường và nhu cầu của người mua (giá định giá chưa phản ánh đúng quy luật cung – cầu của thị trường). Khi tổ chức bán đấu giá, nếu không có người mua, thì phiên đấu giá không thành và tổ chức bán đấu giá lại. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục đấu giá với điều kiện mỗi lần giảm giá không quá
10% giá đã định. Cho nên, sau nhiều lần giảm giá, khi giá giảm sát với giá thị trường và có thể được người mua chấp nhận thì người phải thi hành án yêu cầu định giá lại tài sản và phiên bán đấu giá trở lại tình trạng ban đầu (giá cao hơn giá thị trường rất nhiều). Sự việc này cứ lặp đi lặp lại làm cho thời gian thi hành án kéo dài và tài sản bảo đảm không thể xử lý được dứt điểm để ngân hàng thu nợ theo bản án, quyết định của Tòa án.
4. Thu án phí, phí thi hành án từ tiền bán tài sản bảo đảm. Thời gian qua, cơ quan thi hành án ở một số địa phương đã thu án phí và phí thi hành án từ số tiền bán đấu giá tài sản bảo đảm mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể trước khi chuyển trả cho ngân hàng, cho dù số tiền thu được từ bán tài sản cầm cố, thế chấp không đủ trả nợ vay ngân hàng. Ðiều này, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng (người được thi hành án) mà còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thi hành án. Theo quy định tại khoản 3 Ðiều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008, số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án. Chi phí về thi hành án tại
Ðiều 47 này là các chi phí cưỡng chế thi hành án và do người được thi hành án chịu bao gồm: chi phí xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án; chi phí tiền công tác phí và bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án; chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu; một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ; chi phí bán đấu giá tài sản… Tùy từng trường hợp cụ thể, người được thi hành án có thể phải chịu một, một số hay toàn bộ các chi phí về thi hành án nêu trên. Phí thi hành án không phải là chi phí về thi hành án và án phí phải do bên thua kiện chịu theo bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, việc cơ quan thi hành án thu án phí và phí thi hành án từ số tiền bán tài sản cầm cố, thế chấp là không phù hợp và không bảo đảm quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận cầm cố, thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí