Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội vi phạm quy định về cung ứng điện
Tội vi phạm quy định về cung ứng điện được quy định tại Điều 199 BLHS
1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
1.Vi phạm các quy định về cung ứng điện là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
Để bảo vệ an toàn quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng điện cũng như an toàn trong việc cung cấp điện được nhà nước bảo vệ, đối với hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện; vi phạm các quy định về hoạt động phát điện; vi phạm các quy định về hoạt động truyền tải điện, phân phối điện… chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính theo Nghị định sô 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cáo nhất đến 40 triệu đồng.
Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện là tội phạm đã được quy định tại Điều 182 BLHS năm 1985 với tội danh “sử dụng và phân phối điện trái phép”. Đến BLHS năm 1997 Điều 177 không còn quy định hành vi sử dụng điện trái phép là tội phạm nữa mà chỉ quy định hành vi phân phối điện trái phép là hành vi phạm tội và điều luật được sửa thành tội vi phạm các quy định về cung ứng điện. Quy định thêm tình tiết là yếu tố định tội; quy định cụ thể hành vi khách quan của người phạm tội; bổ sung một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt ở khoản 2 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng điều luật. Quy định này cũng được giữ nguyên trong BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Đến BLHS năm 2015, tội vi phạm các quy định về cung ứng điện được quy định tại Điều 199. Mặc dù vẫn giữ nguyên các hành vi khách quan trong quy định của BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 tuy nhiên đã bổ sung thêm các quy định chi tiết các yếu tố định tội và các yếu tố định khung hình phạt.
2.Những dấu hiệu pháp lý
*Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực cung ứng điện.
Đối tượng tác động của tội phạm này là nguồn điện (điện dùng cho sản xuất, sinh hoạt, trang trí, thắp sáng nơi công cộng…)
*Mặt khách quan của tội phạm:
Thứ nhất: Dấu hiệu hành vi khách quan
Người phạm tội này là người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện để thực hiện một trong các hành vi sau: Cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
Cắt điện không có căn cứ là hành vi cắt điện một cách tùy tiện, không đưa ra lý do hoặc cắt điện không có lý do chính đáng. Hành vi cắt điện không thông báo theo quy định là hành vi cắt điện không thực hiện đúng quy định của ngành điện lực là phải thông báo trước cho người sử dụng điện trong một thời gian nhất định, thể hiện ở việc chưa có thông báo hoặc không thông báo mà vẫn cắt điện. Theo quy định việc thông báo cắt điện phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo đến tận người sử dụng điện.
Hành vi từ chối cung cấp điện không có căn cứ là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện đã không cung cấp điện cho người sử dựng khi họ có yêu cầu và có đủ điều kiện, làm đầy đủ các thủ tục cần thiếttheo quy định của ngành điện lực để được cấp điện. Việc từ chối này không có lý do chính đáng hoặc lý do mà bên cung cấp đưa ra để từ chối việc cung cấp điện là không có căn cứ.
Hành vi trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng là hành vi của người có trách nhiệm trong việc xử lý sửa chữa sự cố điện khi đã nhận được thông báo và đã có yêu cầu khắc phục sự cố điện, có điều kiện để khắc phục sự cố nhưng không xử lý sự cố mà trì hoãn gây khó khăn cho người sử dụng điện mà không có lý do chính đáng. Các sự cố điện có thể như đổ cột điện dẫ đến đứt dây, cháy, nổ trạm biến thế, chập cháy đường dây dẫn điện, dây cao thế… Việc trì hoãn được hiểu là dây dưa, kéo dài thời gian tiến hành khắc phục sự cố.
Thứ hai: Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Việc vi phạm các quy định về cung ứng điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như họat động chung của toàn xã hội.
Trước đây, theo quy định của BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009: Đối với tội vi phạm các quy định về cung ứng điện, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện phải là người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, BLHS năm 2015 đã có quy định cụ thể về hậu quả của tội phạm bao gồm các hậu quả thiệt hại về tài sản và hậu quả, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe:
Gây thiệt hại về tài sản như gây hư hỏng thiết bị, sản phẩm, vật tư của cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… Hành vi này phải gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên.
Gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe: Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe từ 31% trở lên hoặc gây hậu quả chết người.
Thứ ba: Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm
Đối với tội vi phạm các quy định về cung ứng điện còn có các quy định các dấu hiệu khách quan khác: các quy định của Nhà nước về cung ứng điện như: các quy định về cắt điện, về cung cấp điện, về xử lý sự cố khi mất điện…
*Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Bên cạnh đảm bảo các yếu tố là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật thì còn phải đảm bảo các yếu tố chỉ những người có trách nhiệm liên quan đến việc cung ứng điện mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm cung ứng điện không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn, mà họ còn có thể là những người khác được phân công làm nhiệm vụ cung ứng điện. Đối với người khác cũng có thể là chủ thể nhưng họ chỉ là đồng phạm trong vụ án có đồng phạm.
Nếu hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện chưa gây hậu quả về tài sản, tính mạng, sức khỏe thì người phạm tội phải là những người đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án vì tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới chịu trách nhiệm hình sự
*Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội vi phạm quy định về cung ứng điện thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhân thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định củaNhà nước về cung ứng điện gây thiệt hại nghiệm trọng về tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
3.Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện sau:
-Hành vi vi phạm quy định về cung ứng điện bị khởi tố khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%,
- Hành vi vi phạm quy định về cung ứng điện bị khởi tố khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổn tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%,
- Hành vi vi phạm quy định về cung ứng điện bị khởi tố khi gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Hành vi vi phạm quy định về cung ứng điện bị khởi tố khi đã bị đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án vì tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí