Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 BLHS 2015
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Bình luận
1.Việc giải thích cá thuật ngữ “lương thực”, “thực phẩm”, “phụ gia thực phẩm” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu Điều 192 BLHS.
Chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm về lương thực, tuy nhiên qua nghiên cứu từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2015, Lương thực được hiểu là thức ăn có chất bột như gạo, ngô, khoai sắn…”
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2 Luật an toàn thực phẩm có thể giải thích các thuật ngữ “thực phẩm”, “phụ gia thực phẩm” như sau:
-Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn , uống ở dạng tươi sống, hoặc đã qua sơ chế, chế biến bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá, và các chất sử dụng như dược phẩm.
-Phụ gia thực phẩm là chất chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện tính chất của thực phẩm.
Từ sự nghiên cứu tổng hợp dưới các góc độ pháp lý và khoa học hàng hóa, có thể đưa ra khái niệm về hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:
“Hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống hoặc các chất chủ định đưa vào thực phẩm được sản xuất và buôn bán trái pháp luật, không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên hoặc có một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa, gây thiệt hại cho lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng “.
2. Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm
*Khách thể của tội phạm:
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
- Đối tượng tác động của tội phạm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
+ Việc xác định thế nào là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả cũng tương tự như việc xác định hàng giả quy định tại Điều 192 BLHS.
+ Đối tượng tác động của tội phạm này là dấu hiệu đặc trưng cơ bản để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác về hàng giả được quy định tại Điều 192, 194, 195 BLHS.
*Mặt khách quan của tội phạm:
Thứ nhất: hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội này bao gồm hai loại hành vi đó là sản xuất và buôn bán.
Luật an toàn thực phẩm chỉ giải thích thuật ngữ sản xuất và kinh doanh thực phẩm, cụ thể như sau:
-Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số, hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.
-Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất các hoạt động từ giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.
Tuy nhiên dưới góc độ nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan tới hàng giả thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là luơng thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được hiểu tương tự khái niệm đưa ra tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
*Hành vi sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số, hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế biến, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
*Hành vi buôn bán hàng giả là việc thực hiện môt, một số, hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhằm bán lại cho người khác cũng cấu thành tội này.
Thứ hai: Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm gây ra là:
+ Thiệt hại về thể chất: bao gồm thiệt hại về tính mạng hay các tổn hại về sức khỏe cho người tiêu dùng.
+Thiệt hại về vật chất: gây thiệt hại về tài sản.
-Đối với tội sản suất và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm, hậu quả chỉ được nhắc tới trong các tình tiết định khung tăng nặng.
Có thể thấy cấu thành tội phạm của tội danh này là cấu thành tội phạm hình thức.
-Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thệt hại:
+Hành vi nguy hiểm xảy ra trước hậu quả;
+Hành vi nguy hiểm chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh tội phạm, hậu quả dứt khoát xảy ra nếu không có gì ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó.
+Hậu quả nguy hiểm xảy ra do chính hành vi đó gây nên chứ không phải do hành vi nào đó khác.
Thứ ba: Những nội dung biểu hiện khác của mặt khách quan
Các dấu hiệu khách quan khác được quy định trong CTTP của tội danh này có thể là:
-Phương tiện phạm tội;
-Phương pháp thủ đoạn phạm tội;
-Thời gian, đại điểm phạm tội;
-Hoàn cảnh phạm tội;
*Mặt chủ quan của tội phạm:
Hình thức lỗi: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có hình thức lỗi là cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thây trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích của tội phạm chủ yếu là vụ lợi. Động cơ và mục đích của tội phạm tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ, mục đích của cá nhân hay pháp nhân phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
*Chủ thể tội phạm:
Trong trường hợp chủ thể của tội phạm là cá nhân, phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Trong trường hợp chủ thể tội phạm là pháp nhân, căn cứ vào Điều 75 BLHS thì điều kiện chịu trách nhiệm hình sự được quy định:
-Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được thực hiện nhân danh pháp nhân.
- Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được thực hiện vì lợi ích pháp nhân.
- Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.
3.Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện một trong các hành vi khác quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.
a. Đối với cá nhân phạm tội
Khoản 1 Điều 193 BLHS: Người nảo sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
b. Đối với pháp nhân
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
LƯU Ý:
NGHỊ ĐỊNH SỐ 185/2013/NĐ - CP QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐÃ ĐƯỢC THAY THẾ BỞI NGHỊ ĐỊNH SỐ 98/2020/NĐ - CP.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí