Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội đầu cơ theo luật hình sự.
Tội đầu cơ được quy định tại Điều 196 BLHS 2015
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Bình luận
1.Đầu cơ là việc lợi dung tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Tội đầu cơ đã được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 30 tháng 6 năm 1982 và Điều 165 BLHS. Theo đó, mọi hành vi mua vét hàng hóa, lương thực, vật tư, các loại tem phiếu, vé, giấy tờ có giá trị phân phối hàng hóa, lương thực, vật tư hoặc cung ứng dịch vụ nhằm bán lại để thu lợi bất chính trong bất cứ hoàn cảnh nào, với số lượng hàng hóa bao nhiêu đều bị coi là tội phạm.
Đến BLHS năm 1999, tội đầu cơ được quy định tại Điều 160 với một số thay đổi mang tính chất cụ thể hơn, theo đó chỉ những hành vi đầu cơ trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và phải đầu cơ với lượng hàng hóa có số lượng lớn và hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị coi là tội phạm. Các tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt đều theo hướng có lợi cho người phạm tội, hình phạt đối với tội phạm này cũng quy định nhẹ hơn nhiều so với BLHS năm 1985. BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009, bên cạnh giữ nguyên quy định về tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thì bộ luật còn được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung thêm trường hợp thực hiện hành vi đầu cơ: “trong tình hình có khó khăn về kinh tế nhằm tạo khả năng xử lý về hình sự đối với những hành vi đầu cơ, đồng thời tăng chế tài phạt tiền nhằm góp phần ổn định thị trường, giá cả, kiềm chế lạm phát…
Hiện nay, mặc dù nước ta đang đẩy mạnh phát triền nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, tuy nhiên nhìn chung tình hình kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, giá cả thị trường chưa được bình ổn; hoạt động kinh doanh của một bộ phận các chủ thể kinh doanh còn chưa có nề nếp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Mặt khác, tình hình dịch bệnh, thiên tai…lại thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, do đó hành vi đầu cơ vẫn bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần xử lý bằng biện pháp hình sự. Chính vì vậy, tội đầu cơ được quy định tại điều 196 BLHS năm 2015 với một số sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Các hàng hóa trong tội đầu cơ không phải là hàng hóa nói chungmà phải là các hàng hóa được quy định trong danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
2.Những dấu hiệu pháp lý của tội phạm
*Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ trục lợi và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, trừ những hàng hóa vật phẩm là đối tượng tác động của các tội phạm khác đã được quy định thành tội phạm riêng.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm:
a)Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ(không bao gồm xăng máy bay),dầu hỏa, dầu diesel, dầu mazut;
b)Điện bán lẻ;
c)Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG);
d)Phân đạm urê; Phân NPK;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ;
e) Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm;
g) Muối ăn;
h) Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi;
i) Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện;
k) Thóc, gạo tẻ thường;
l) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ Mục 4 sửa đổi Điều 7 Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm:
a) Đất đai, mặt nước;
b) Rừng;
c) Tài nguyên quan trọng khác;
d) Nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê hoặc bán. Nhà ở xã hội, nhà ở công vụ;
đ) Hàng dự trữ quốc gia.
e) Tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
g) Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước; sản phẩm; dịch vụ công ích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch;
h) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;
i) Điện;
k) Dịch vụ chuyển tải điện; dịch vụ đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện; dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực; các dịch vụ phụ trợ, điều tiết thị trường điện lực, tham gia thị trường điện;
l) Dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; phục vụ hành khách; dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay;
m) Dịch vụ đối với thư cơ bản (thư thường) trong nước có khối lượng đến 20 gram; dịch vụ điện thoại nội hạt; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích; dịch vụ bưu chính dành riêng;
n) Nước sạch cho sinh hoạt;
o) Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp;
p) Dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sắt trong đô thị;
q) Thuốc phòng và chữa bệnh cho người do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả;
r) Hàng hóa được trợ giá; trợ cước vận chuyển; dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa;
s) Báo Nhân dân, báo cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
*Mặt khách quan của tội phạm
Thứ nhất: Dấu hiệu hành vi khách quan
Về mặt khách quan của tội đầu cơ: theo khoản 1 điều 196 “mua vét” là dấu hiệu đặc trưng, bắt buộc và đầy đủ trong mặt khách quan của tội đầu cơ. Mua vét là một từ ghép giữa từ “mua” và từ “vét”. Mua là dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi lấy hàng hóa, còn vét là vơ vét, thấy ở đâu có là mua, mua bằng hết. Tuy nhiên, hành vi mua vét trong tội đầu cơ không đòi hỏi phải mua bằng hết hàng hóa ở một địa bàn, một vùng nhất định mà chỉ cần mua với số lượng lớn để bán lại trục lợi là bị coi là đầu cơ rồi. Nhu cậy, mua vét được hiểu là hành vi mua số lượng lớn, vượt quá nhu cầu dự trữ thông thường cho sinh hoạt hoặc cho hoạt động nghề nghiệp. Hành vi mua vét có thể là mua một lần hay nhiều lần. Đối tượng mua vét là các loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Việc mua vét được thực hiện bằng cách lợi dụng tình hình khan hiếm, mất cân đối giữa cung và cầu về một mặt hàng nào đó trên thị trường trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế. Nếu mua vét nhưng mặt hàng đó không khan hiếm thì cũng chưa phải là đầu cơ.
Ngoài hành vi mua vét, người phạm tội đầu cơ còn có thể có hành vi “tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo”. Đây là hành vì mà người phạm tội có thể thực hiện hoặc không thực hiện phụ thuộc vào tình hình hàng hóa có khan hiếm thực sự hay không. Hành vi này chỉ xảy ra khi hàng hóa không khan hiếm thật, nhưng mọi người lại tưởng lầm rằng có sự khan hiếm thật. Sự khan hiếm giả tạo này do người phạm tội tạo ra để mọi người tin thông qua các thủ đoạn như: dùng thủ đoạn trái phép tác dụng đến cung cầu như nâng giá, tung tin thất thiệt về sự khan hiếm hàng hóa, gây hỗn loạn về giá; tác động với nhà sản xuất không đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở một địa bàn, một vùng nhất định…
Bán lại hàng hóa để thu lợi bất chính không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội đầu cơ. Bán lại hàng hóa đã mua vét để thu lợi bất chính là mục đích của tội đầu cơ được quy định trong cấu thành tội phạm. Thu lợi bất chính rất lớn đối với hành vi đầu cơ là số tiền lời mà người phạm tội thu được do hành vi đầu cơ đem lại.
Thứ hai: Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
Hậu quả của hành vi đầu cơ là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: gây rối loạn thị trường, tăng vọt về giá cả làm cho Nhà nước không kiểm soát được thị trường, gây hoang mang trong nhân dân, gây khó khăn cho người dân sống trong vùng thiên tai, dịch bệnh, gây chết người (do dịch bệnh, thiếu lương thực, thuốc men…) và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, đối với tội đầu cơ, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác mà thiếu nó thì chưa cấu thành tội phạm, các dấu hiệu đó là:
Phải có sự khan hiếm hàng hóa thật hoặc tuy không khan hiếm thạt nhưng mọi người lại tưởng lầm là khan hiếm hàng hóa thật;
Địa điểm xảy ra hành vi mua vét hàng hóa phải là nơi đang trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc khó khăn về kinh tế; địa điểm này có thể là một thôn, một xã, một tỉnh hoặc một vùng… không giới hạn bởi địa giới hành chính hay lãnh thổ.
*Mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi đầu cơ là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là gây ra sự khan hiếm hàng hóa, làm cho hàng hóa tăng giá, xâm hại tới chính sách quản lý giá cả, chính sách về lưu thông phân phối của nhà nước, lợi ích chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng nhưng vì lợi nhuận nên vẫn mua vét; thấy trước được hậu quả của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Đối với pháp nhân, lỗi cố ý được thể hiện ở việc ban lãnh đạo.điều hành của pháp nhân đã có kế hoạch chỉ đạo, điều hành việc mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Bán lại hàng hóa để thu lợi bất chính không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội đầu cơ, cụ thể là thu được lợi ích vật chất thông qua việc tạo ra sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán lại hàng hóa. Mua vét không nhằm bán lại, hoặc mua vét nhằm bán lại không để thu lợi bất chính mà nhằm mục đích khác đều không coi là tội đầu cơ mà cấu thành một tội phạm khác. Mục đích thu lợi bất chính bao giờ cũng gắn liền với động cơ vụ lợi và vì vậy có thể coi vụ lợi cũng là một dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội đầu cơ.
*Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật là có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Chủ thể là pháp nhân: Tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân và là pháp nhân thương mại. Chủ thể của tội phạm này là pháp nhân khi các hành vi trên được thực hiện theo chủ trương kế hoạch của pháp nhân như Quyết định của Hội đồng quản trị, thỏa thuận, thống nhất của các thành viên góp vốn nắm quyền lãnh đạo pháp nhân, quyết định của chủ doanh nghiệp và các hoạt động xuất nhập sản phẩm và thanh toán tiền được tiến hành qua hệ thống sổ sách, dữ liệu và tài khoản của pháp nhân.
3.Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu tách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi đầu cơ trong những trường hợp sau đây:
-Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
-Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Đây là một điểm quy định mới về tội đầu cơ trong BLHS năm 2015 so với BLHS năm 2009. BLHS năm 2009 chỉ quy định khởi tố trong trường hợp hàng hóa có số lượng lớn nhưng không quy định cụ thể só lượng bao nhiêu và cũng không xác định rõ định lượng về thu lợi bất chính. Quy định như vậy dẫn tới việc khó xác định định lượng để truy cứu trách nhiệm trên thực tế.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí