Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (điều 376)

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (điều 376)


Theo điều 376, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn như sau:

1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;

b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm vụ án bị đình chỉ;

b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;

d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;

c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn thì mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 


Bình luận

1. Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành hình phạt tù trốn là việc người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.

* Khách thể của tội phạm:

Tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng ; xâm phạm đến các quy định của nhà nước về chế độ giam, giữ, dẫn giải người bị giam, giữ, để người bị giam, giữ trốn gây ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động tố tụng như phải đính chỉ điều tra, phải tạm hoãn phiên tòa.

* Mặt khách quan của tội phạm.

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới để người bị giam, giữ bỏ trốn khỏi nơi giam, giữ; nếu làm tròn trách nhiệm được giao thì người bị giam, giữ không thể trốn được. Ví dụ: Anh X và Anh Z được giao nhiệm vụ dẫn giải H là bị cáo từ trụ sở tòa án về trại giam. Trên đường dẫn giải, H xin ghé qua nhà lấy đồ dùng cá nhân, X và Z đồng ý. Tuy nhiên, khi về nhà H, lợi dụng X và Z đang uống nước nhà trên, H bỏ trốn.

Hành vi trên thiếu trách nhiệm trong công tác trực tiếp quản lý người bị giam, giữ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong việc canh gác người bị giam, giữ để người bị giam, giữ trốn là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi canh gác để cho người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong việc dẫn giải người bị giam, giữ để người bị giam, giữ trốn là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong khi dẫn giải người bị giam, giữ để cho người bị giam, giữ trốn.

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm. Hậu quả nghiêm trọng có thể là thiệt hại về vật chất hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng đến việc điều tra, xét xử của vụ án.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình với hình thức lỗi vô ý.

* Chủ thể của tội phạm: Chủ thể tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

3. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định phạm vi đối tượng bỏ trốn chỉ gồm người bị giam , giữ, Bộ luật sự hình sự 2015 mở rộng phạm vi đối tượng bỏ trốn trong tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ bỏ trốn gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù. Từ đó bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng của điều luật, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý vụ việc.

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)