Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng


1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;

b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.

Bình luận

Đây cũng là một biện pháp hoàn toàn mới được quy định để áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ Luật mới. Tuy nhiên khác với biện pháp khiển trách, trong Điều luật này nhà làm luật không nêu rõ mục đích của biện pháp mà đi thẳng vào nội dung cụ thể của biện pháp. Cụ thể:

Đối tượng được áp dụng:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

Nhóm đối tượng này có phần na ná với nhóm đối tượng áp dụng biện pháp khiển trách về độ tuổi. Tuy vậy, xét về phạm vi thì nhóm đối tượng này rộng hơn. Nếu như đối với biện pháp khiển trách chỉ áp dụng khi người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng này không phân biệt lần đầu hay lần bao nhiêu mà chỉ cần phạm tội ít nghiêm trọng. Bên cạnh đó sự mở rộng còn thể hiện ở việc áp dụng cả với trường hợp phạm tội nghiêm trọng.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này.

Chỉ trừ các trường hợp phạm tội trong các Điều luật được liệt kê phía trên, nhóm đối tượng là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng được miễn hình phạt có thể áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Nếu có một sự so sánh giữa 2 biện pháp mới là khiển trách và hòa giải tại cộng đồng trong việc áp dụng với người chưa thành niên phạm tội qua đối tượng áp dụng biện pháp thì có thể rút ra một kết luận, biện pháp hòa giải tại cộng đồng là biện pháp nghiêm khắc hơn.

Thẩm quyền quyết định:

Về thẩm quyền quyết định, nhà làm luật đã có quy định nhưng cách hành văn thì có vẻ hơi khó hiểu một chút, cụ thể nhà làm luật quy định như sau: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng…” , quy định trên chúng ta có thể thấy rõ chủ thể có thẩm quyền quyết định bao gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhưng vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã thì không được rõ. Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã là gì? chủ thể triển khai tổ chức việc thực hiện hòa giải hay cũng là chủ thể được quyền quyết định việc hòa giải? Theo quan điểm của tác giả thì UBND cấp xã chỉ được quyền quyết định việc tổ chức hòa giải (thời gian, địa điểm, thành phần tham dự …), còn quyền quyết định có áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng hay không là do 1 trong 3 chủ thể kể trên quyết định (tùy thuộc vào việc miễn trách nhiệm hình sự ở giai đoạn nào – điều tra, truy tố hay xét xử).

Trong thẩm quyền quyết định này, có một điểm khác biệt rất lớn giữa biện pháp khiển trách và hòa giải. Nếu như với biện pháp khiển trách chủ thể có thẩm quyền hoàn toàn có quyền quyết định áp dụng hay không, sự tham gia của cha mẹ hoặc người địa diện chỉ là yếu tố thứ yếu sau khi đã có quyết định thì với biện pháp hòa giải, chủ thể có thẩm quyền chỉ được phép áp dụng biện pháp này sau khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (giữ vai trò chính yếu).

Nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng:

- Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;

- Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

- Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

-Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

Như vậy nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp hòa giải bao gồm nghĩa vụ của người bị khiển trách cộng thêm 2 nghĩa vụ nữa là nghĩa vụ xin lỗi và bồi thường thiệt hại (một minh chứng nữa bổ sung cho kết luận biện pháp hòa giải tại cộng đồng nghiêm khắc hơn biện pháp khiển trách). Những nghĩa vụ giống nhau tác giả đã phân tích nên sẽ không bàn luận thêm về nó ở Điều luật này. Do đó chúng ta sẽ cùng bàn thêm về nghĩa vụ xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Ngay cái tên của biện pháp cũng cho chúng ta biết được rằng việc xin lỗi này được thực hiện tại cộng đồng, tức có nhiều người tham gia. Tuy vậy, xu hướng chung của thế giới cũng như pháp luật hình sự Việt Nam đang theo hướng có những Tòa án dành riêng để xét xử những người chưa thành niên. Mục đích nhằm đảm bảo hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không hay đến tâm lý của người phạm tội. Đó là xu hướng đúng vì nhóm đối tượng này là những đối tượng rất nhạy cảm, một tổn thương về mặt tâm lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời họ sau này. Do đó, việc tổ chức hòa giải tại cộng đồng trong đó có việc xin lỗi người bị hại của người chưa thành niên phải hết sức cẩn trọng và chú ý đến đặc điểm tâm lý. Việc giới hạn thành phần trực tiếp tham gia, chứng kiến cũng như không gian thực hiện việc xin lỗi theo tác giả là điều cần thiết. Việc áp dụng biện pháp này cũng phải hết sức thận trọng để phòng ngừa việc bị phản tác dụng, tránh những hệ lụy không hay phát sinh.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)