Điều 93. Khiển trách theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 93. Khiển trách


1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.

Bình luận

Khiển trách là một biện pháp giám sát giáo dục hoàn toàn mới so với quy định tại Bộ Luật cũ. Chúng ta sẽ cùng phân tích xem biện pháp mới này có những đặc điểm như thế nào mà lại được đề xuất áp dụng đối với nhóm người chưa thành niên phạm tội, bên cạnh những biện pháp cũ đã có.

Mục đích:

Nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.

Đối tượng được áp dụng:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Đối với nhóm đối tượng đầu tiên, biện pháp khiển trách chỉ áp dụng đối với nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 (loại trừ nhóm tuổi từ đủ 14 đến dưới 16) lần đầu phạm tội và tội phạm phải là tội ít nghiêm trọng (trừ những tội phạm đã được liệt kê phía trên).

Nhóm đối tượng thứ hai áp dụng biện pháp khiển trách là những người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án đồng phạm mà vai trò không đáng kể. Như chúng ta đã biết, trong một vụ án đồng phạm, người tham gia có thể giữ những vai trò khác nhau như người tổ chức, chủ mưu, người thực hành, người giúp sức v.v…tuy nhiên điều kiện áp dụng ở đây là có vai trò không đáng kể. Do vậy, thông thường thì vai trò đồng phạm ở đây sẽ là người giúp sức bởi lẽ những vai trò còn lại đều có đóng góp đáng kể trong vụ án.

Thẩm quyền quyết định:

Đối với biện pháp này có 3 nhóm đối tượng có quyền áp dụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Nếu tinh ý chúng ta có thể thấy ngay đây chính là những cơ quan tiến hành tố tụng ở ba giai đoạn của một vụ án (Điều tra => Truy tố => Xét xử) và biện pháp khiển trách là biện pháp áp dụng trong trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Cũng dễ hiểu vì sao có đến 03 cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp này mà không chỉ duy nhất một chủ thể mà chúng ta dễ dàng nghĩ đến đầu tiên là Tòa án. Đó là vì việc miễn trách nhiệm hình sự có thể được thực hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình chứ không bắt buộc phải ở giai đoạn cuối cùng là xét xử. Do vậy, khi thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự ở giai đoạn nào thì cơ quan có trách nhiệm ở giai đoạn đó (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) sẽ là chủ thể có quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách (nếu thỏa điều kiện).

Có một lưu ý nhỏ, thẩm quyền quyết định sẽ thuộc 1 trong 3 cơ quan nêu trên nhưng khi thực hiện việc khiển trách bắt buộc phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Nghĩa vụ của người bị khiển trách:

Nhà làm luật đã liệt kê ra 3 nhóm nghĩa vụ mà người bị khiển trách phải có nghĩa vụ thực hiện và việc thực hiện các nghĩa vụ này là đồng thời và không loại trừ nhau:

- Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; (1)

- Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; (2)

- Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. (3)

Trong đó thời gian để thực hiện (2) và (3) sẽ nằm trong khung từ 03 tháng đến 01 năm, mức cụ thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền ấn định.

Qua quy định về nghĩa vụ của người bị khiển trách có thể thấy nghĩa vụ này cũng không có gì là quá nặng nề. Nghĩa vụ đầu tiên mang tính chất chung chung, bất kỳ một cá nhân nào cũng phải có nghĩa vụ thực hiện điều này, không riêng gì những người đã từng thực hiện tội phạm mới có nghĩa vụ tuân thủ.  Nghĩa vụ thứ (2) phần nào nó đã phản ánh được nét khác biệt giữa người bị khiển trách với những công dân thông thường, đó là trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Việc làm này mang ý nghĩa giám sát và theo dõi sự chuyển biến trong thái độ, cách ứng xử của người bị khiển trách. Tuy nhiên, nó không quá nặng nề như hình phạt bổ sung quản chế (chỉ được cư trú tại một địa phương nhất định). Trong hình phạt bổ sung quản chế này, người phạm tội cũng phải trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu. Mặc dù trong quy định không hề nhắc đến tần suất người bị khiển trách phải trình diện là bao nhiêu trong khoản thời gian áp dụng, nhưng trên cơ sở chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thì tần suất này sẽ ít hơn nhiều so với một người phạm tội bị áp dụng hình phạt quản chế.

Nghĩa vụ thứ (3) là một nghĩa vụ khá chung chung và chắc chắn nếu muốn có thể áp dụng được trên thực tế thì bắt buộc phải có văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, đối với nhóm người phạm tội chưa thành niên, theo lẽ thông thường những đối tượng này là đang là những học sinh (cấp 2, cấp 3). Việc áp dụng biện pháp khiển trách này không đương nhiên dẫn đến việc họ bị buộc cho thôi học. Do vậy, việc tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức xem ra có vẻ chưa được hợp lý. Tuy nhiên, đối với những đối tượng này việc bắt buộc tham gia lao động với hình thức phù hợp thì vẫn có thể áp dụng được. Chỉ trong trường hợp người bị khiển trách không phải đang là học sinh hoặc sau khi bị khiển trách đã thực hiện việc nghỉ học thì các nghĩa vụ quy định tại nhóm (3) mới có thể thực hiện được một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất. 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)