Điều 72. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 72. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt


Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Bình luận:

Điều luật trên sẽ được tác giả tách ra phân tích như sau:

(1) Điều kiện: Có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công + đã đảm bảo được ít nhất 1/3 thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 và Khoản 2 Điều 71.

Chiếu theo điều kiện này thì trước tiên người bị kết án phải có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công. Còn như thế nào là tiến bộ rõ rệt như thế nào gọi là lập công thì trong phạm vi BLHS không có quy định cụ thể. Hiện cũng không có bất kỳ hướng dẫn nào cho trường hợp này, tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP về trường hợp “lập công chuộc tội”  trong xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ta có:

"Đã lập công chuộc tội" là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác... được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

Từ hướng dẫn này có thể rút tỉa là một số yếu tố để xác định việc “lập công” như có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác... được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận. Tuy vây, để đảm bảo tính đúng và chính xác xét thấy cần có sự hướng dẫn cho trường hợp “lập công” để không phải dựa vào “lập công chuộc tội” mà suy luận (có thể sai do thiếu ý hoặc lệch ý).

Nếu so sánh với quy định tại BLHS cũ thì điều kiện này không hề khác về mặt tinh thần của điều luật, tuy nhiên nó có một điểm làm rõ hơn đó là gián tiếp khẳng định quy định này được áp dụng cho mọi loại tội phạm (đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa) – vấn đề này quy định tại BLHS không đề cập (nêu rõ). 

(2) Quyền đề nghị: Cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.

Như vậy xóa án tích trong trường hợp đặc biệt có 2 nhóm cơ quan có quyền đề nghị, đó là nơi mà người đó công tác và chính quyền địa phương nơi người đó cư trú. Cơ bản là những đối tượng được quyền đề nghị này không khác so với quy định cũ trừ nhóm đối tượng thứ 2. BLHS 1999 quy định là nơi người đó thường trú, quy định tại Bộ Luật này là nơi người đó cư trú. Nơi cư trú là một khái niệm rộng hơn nơi thường trú. Cụ thể theo Điều 12 Luật cư trú 2006 như sau: Điều 12. Nơi cư trú của công dân

1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Rất dễ dàng để nhận thấy  rằng những cơ quan có quyền đề nghị xóa án tích trong trường hợp này rộng hơn so với quy định tại Bộ Luật cũ. Không chỉ là chính quyền nơi người đó thường trú mà còn bao gồm cả nơi người đó tạm trú, trong trường hợp không xác định được nơi thường trú, tạm trú thì là nơi người đó đang sinh sống.

Theo đánh giá của cá nhân tác giả thì việc chỉ thay cụm từ nơi thường trú thành nơi cư trú đã đảm bảo được tính toàn diện về mặt pháp lý, tạo được sự thuận lợi và công bằng cho những người bị kết án mà không có nơi thường trú. Đây chỉ là một thay đổi rất nhỏ nhưng lại mang đến những giá trị lớn, một trong nhiều sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp trong Bộ Luật hình sự mới.

(3) Quyền quyết định: Tòa án

Chủ thể duy nhất có thẩm quyền quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt này là Tòa án. Như đã đề cập ở phần trên, trong trường hợp đương nhiên xóa án tích thì thẩm quyền thuộc về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chứ không phải Tòa án, đây là quy định mới so với quy định cũ tại BLHS 1999. Tuy nhiên, nếu thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích và lại rơi vào trường hợp xóa án tích đặc biệt thì thẩm quyền không còn thuộc về cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nữa mà thẩm quyền vẫn thuộc về Tòa án. Một lần nữa quy định này cho thấy nhà làm luật một phần muốn giảm tải khối lượng công việc liên quan đến việc xóa án tích cho Tòa án nhưng vẫn giữ lại thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp cần thiết nhất để đảm bảo được tính chính xác nhất trong các quyết định. 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)