Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Điều 73. Cách tính thời hạn để xóa án tích
1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
3. Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
Bình luận:
Qua phần bình luận phân tích các Điều luật trước đó chúng ta đã biết thời điểm khi nào bắt đầu tính thời hạn xóa án tích, thời hạn xóa án tích trong trường hợp đương nhiên là bao nhiêu, trong trường hợp đặc biệt là bao nhiêu, chủ thể nào có quyền quyết định việc xóa án tích cũng như có sự so sánh với các quy định tương tự tại Bộ luật cũ để thấy những điểm khác biệt. Bây giờ chúng ta sẽ phân tích đến vấn đề cuối cùng trong chế định về xóa án tích này, đó là cách tính thời hạn.
Tác giả tạm chia cách xác định này thành 2 phần, phần 1 là nguyên tắc xác định, phần 2 là các trường hợp đặc biệt.
1. Nguyên tắc xác định
Thời hạn để xóa án tích phải căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Như chúng ta đã biết trong một Bản án có thể chỉ có duy nhất 1 hình phạt chính nhưng cũng có thể vừa có hình phạt chính vừa có hình phạt bổ sung. Như vậy dựa theo nguyên tắc trên chúng ta chỉ được phép dựa vào hình phạt chính đã tuyên để xác định thời hạn xóa án tích. Ví dụ: A bị tuyên hình phạt tù 10 năm đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung quản chế 04 năm, thì chúng ta phải dựa vào hình phạt tù 10 năm để xác định thời hạn xóa án tích của A là 03 năm (trong trường hợp đương nhiên xóa án tích) hoặc 05 năm (trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án) chứ không được dựa vào thời hạn 04 năm quản chế để xác định thời hạn xóa án tích.
2. Các trường hợp đặc biệt
a) Tính lại thời hạn
Việc tính lại thời hạn sẽ áp dụng khi người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
Phân tích quy định này chúng ta có thể thấy:
Điều kiện cần: Người bị kết án chưa được xóa án tích
Ở đây nhà làm luật dùng từ “chưa được xóa án tích” chứ không phải “trong thời hạn xóa án tích”. Theo quan điểm của tác giả quy định như vậy là chưa ổn, nó chỉ đảm bảo được tính đúng trong trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Trong trường hợp đó hết thời hạn xóa án tích chỉ là điều kiện cần còn việc có được xóa án tích hay không là phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Tuy nhiên đối với trường hợp xóa án tích đương nhiên thì điều kiện cần và đủ duy nhất là người bị kết án đã đảm bảo đủ thời hạn xóa án tích. Việc cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có cập nhật thông tin về tình hình án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp ghi nhận không có án tích kịp thời hay không không hề ảnh hưởng đến việc người đó vốn dĩ đã không còn án tích (nhưng nếu chậm trễ vẫn xem là chưa xóa án tích). Như vậy, giả định rằng người bị kết án đã đảm bảo thời hạn xóa án tích và yêu cầu cơ quan trên cấp phiếu lý lịch tư pháp trong đó xác nhận không có án tích, tuy nhiên xuất phát từ lỗi của cơ quan này nên người bị kết án vẫn chưa được xóa án tích. Nếu họ thực hiện một tội phạm mới thì thời hạn xóa án tích của tội phạm cũ có tính lại hay không? Nếu tính lại thì rõ ràng thiệt hại thuộc về người bị kết án trong khi lỗi không thuộc về họ.
Vì thế cho nên theo quan điểm cá nhân của tác giả cho rằng, điều kiện cần này nên chia ra 2 trường hợp rõ ràng. Đối với xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì theo quy định hiện hành đã đảm bảo. Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích thì nên sửa lại thành “Người bị kết án đang trong thời hạn xóa án tích…”
Điều kiện đủ: Phạm tội mới và đã bị kết án bằng Bản án đã có hiệu lực pháp luật
Điều kiện này khá rõ ràng, người chưa được xóa án tích phải phạm tội mới và hành vi phạm tội này đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy nếu như phạm tội mới nhưng đang trong quá trình điều tra truy tố xét xử và bản án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật (án sơ thẩm trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị chẳng hạn) thì vẫn chưa làm phát sinh việc tính lại thời hạn.
Hệ quả: Thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
Hệ quả này chính là việc thời hạn xóa án tích được tính lại và căn cứ vào tội phạm mới được thực hiện, nói cách khác thời hạn xóa án tích đã trải qua sẽ không còn giá trị nữa.
b) Phạm nhiều tội thuộc cả 2 trường hợp đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án
Đây là quy định hoàn toàn mới, góp phần khắc phục lỗ hổng quy định tại Bộ Luật cũ (Bộ Luật cũ đã không dự liệu trường hợp này). Cụ thể, người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
Như vậy ở đây có 2 nội dung lớn là thời hạn xóa án tích và thẩm quyền quyết định đều căn cứ vào Điều 71 để quyết định. Nghĩa là Tòa án là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc xóa án tích và thời hạn xóa án tích sẽ dài hơn so với trường hợp đương nhiên xóa án tích như tác giả đã bình luận ở Điều 71. Về thẩm quyền quyết định thuộc về Tòa án thì có gì để bàn cãi vì nó hợp lý. Tuy nhiên thời hạn cũng căn cứ vào Điều 71 trong khi người phạm tội có tội thuộc Điều 70 có tội thuộc Điều 71 là không ổn bởi lẽ nó gây bất lợi cho người phạm tội (thời hạn xóa án tích dài hơn). Trong trường hợp này, theo quan điểm riêng của tác giả thời hạn xóa án tích nên căn cứ vào Điều 70 thay vì 71 để đảm bảo nguyên tắc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội.
c) Miễn chấp hành hình phạt
Trường hợp này khá đơn giản và dễ hiểu vì vậy cũng không có nhiều thứ để bàn. Ví dụ A bị tuyên phạt tù 05 nhưng sau khi chấp hành được 04 năm, đáp ứng đủ điều kiện để miễn hình phạt và đã được miễn 01 năm tù còn lại thì coi như A đã chấp hành xong hình phạt kể từ thời điểm chấp hành xong hình phạt năm thứ 04 và thời điểm để bắt đầu tính thời hạn xóa án tích cũng căn cứ vào đó.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí