Điều 14. Chuẩn bị phạm tội theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 14. Chuẩn bị phạm tội


1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bình Luận

Một tội phạm thực hiện được chia làm ba giai đoạn:

- Chuẩn bị phạm tội.

- Phạm tội chưa đạt.

- Tội phạm hoàn thành.

Việc xem xét, đánh giá giai đoạn đầu tiên của một hành vi phạm tội nhất định sẽ được bình luận tại Điều này. Giai đoạn phạm tội chưa đạt được qui định tại Điều 15, tội phạm hoàn thành được xử lý theo từng tội danh cụ thể. Để có thể xem xét trách nhiệm hình sự của một đối tượng tại giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì hành vi đó phải được biểu hiện ra hình thái bên ngoài dưới dạng các hoạt động cụ thể. Chính vì vậy mà khi tội phạm chỉ mới dừng ở suy nghĩ, chưa bộc lộ bằng hành vi, động thái thì hoàn toàn không có căn cứ xác định trách nhiệm hình sự. Việc biểu hiện từ suy nghĩ đến hành động được thể hiện dưới các dấu hiệu như:

- Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.

- Thành lập băng nhóm, tổ chức tội phạm.

- Tham gia vào các băng, nhóm tội phạm sẵn có.

Đây chính từ sự chuyển tiếp từ suy nghĩ đến hành động của người phạm tội, biểu hiện dưới các dạng vật chất, hành động nhất định mà thông qua việc xem xét, chúng ta có căn cứ xác đáng để cho rằng có hành vi phạm tội chuẩn bị xảy ra trên thực tế và từ đó có các biện pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm hiệu quả. Mặc dù tại giai đoạn này, hành vi phạm tội chưa thật sự diễn ra, chưa tác động, chưa làm biến đổi bất kỳ một mối quan hệ nào dù được luật hình sự bảo vệ hay các qui phạm pháp luật khác. Tuy nhiên nó đang đe dọa gây ra các thiệt hạị và việc xâm hại trực tiếp đến các chủ thể mà tội phạm hướng đến chắc chắn sẽ diễn ra trong khoảng thời gian sắp tới.

Các biểu hiện của một tội phạm cụ thể tại giai đoạn chuẩn bị phạm tôi, ví dụ Tội giết người qui định tại Điều 123: Sau khi có suy nghĩ giết Ông A để trả thù vì tranh chấp đất đai với mình, Ông B bắt đầu tìm hiểu thông tin về gia đình nạn nhân (có bao nhiêu người, lịch trình làm việc của từng người….), mua dao, chuẩn bị vật dụng cứng khác để đoạt mạng nạn nhân, chuẩn bị bao tải, cuốc nhằm phi tang xác, vì biết nạn nhân hay lên làm rẫy một mình nên Ông B đã chuẩn bị nơi phục kích…..tất cả các thông tin tìm hiểu hay công cụ, phương tiên nêu trên mà Ông B thực hiện là nhằm tiến tới thực hiện hành vi giết Ông A. Và xem xét trong tổng thể các giai đoạn của tội phạm thì việc làm của Ông B là đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Chuẩn bị phạm tội chỉ xảy ra đối với các loại tội phạm thực hiện với lỗi cố ý vì vậy dù chưa diễn ra nhưng đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xem xét chi tiết vào từng loại tội danh được nêu tại Bộ luật hình sự cũng như căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, độ tuổi của người thực hiện mà không phải giai đoạn chuẩn bị phạm tội của bất kỳ tội danh nào cũng được đưa ra để xem xét trách nhiệm hình sự. Khoản 2 Điều 14 đã chỉ đích danh các trường hợp cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội như Điều 108 (Tội phản bộ tổ quốc), Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 110 (Tội gián điệp), Điều 111 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ), Điều 112 (Tội bạo loạn), Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân), Điều 114 (Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Điều 115 (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội), Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết), Điều 117 (Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), Điều 118 (Tội phá rối an ninh), Điều 119 (Tội chống phá nơi giam giữ), Điều 120 (Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân), Điều 121 (Tội trốn đi ngước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân), Điều 123 (Tội giết người), Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe củ người khác), Điều 168 (Tội cướp tài sản), Điều 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 207 (Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả), Điều 299 (Tội khủng bố), Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố), Điều 301 (Tội bắt cóc con tin), Điều 302 (Tội cướp biển), Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc giá), Điều 324 (Tội rửa tiền).

Đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự cho một trong các tội danh đã liệt kê bên trên, trường hợp chuẩn bị phạm tội cho các tội danh khác thì trách nhiệm hình sự không được đặt ra. Riêng đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự cho hai tội danh duy nhất là tội giết người qui định tại Điều 123 và tội cướp tài sản qui định tại Điều 168.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)