Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và mức phạt tù.
Theo điều 385, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản như sau:
1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
1.Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản được hiểu là hành vi của người được giao giữ tài sản đã bị kê biên, bị niêm phong, bị phong tỏa hoặc vật chứng bị niêm phong, đã phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
* Mặt khách quan
+ Có hành vi phá hủy niêm phong: Được hiểu là hành vi làm mất hẳn tính năng, tác dụng, giá trị của niêm phong (như xé nát, đốt, cắt bỏ,…).
+ Có hành vi tiêu dùng tài sản bị kê biên: Được hiểu là đã sử dụng tài sản kê biên (thường là vật tiêu hao như: Xăng dầu, lương thực..) làm cho tài sản đó bị hao hụt về số lượng, trọng lượng, chất lượng, không còn được như lúc kê biên thông qua việc sử dụng các tài sản đó.
+ Có hành vi chuyển nhượng tài sản bị kê biên: Được thể hiện qua việc chuyển giao tài sản bị kê biên cho người khác (thể chuyển quyền sở hữu hoặc đưa tài sản đó cho người khác để đổi lấy tài sản khác (nhưng không thuộc trường hợp đánh tráo…) hoặc bán, tặng cho…tài sản đó.
+ Đánh tráo tài sản bị kê biên: Được thể hiện qua việc đổi tài sản khác tương tự (vật cùng loại) vào thay thế tài sản bị kê biên bị lấy ra (thông thường đổi tài sản có chất lượng kém, hoặc xấu hơn, giá trị thấp hơn so với tài sản bị kê biên).
+ Cất giấu tài sản bị kê biên: Được thể hiện qua việc lén lút đưa tài sản bị kê biên đến nơi bí mật không cho ai biết và không phải giao lại cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cho người khác theo quyết định của cơ quan đó.
+ Hủy hoại tài sản bị kê biên: Được thể hiện qua hành vi làm mất hẳn tính năng, tác dụng, giá trị, giá trị sử dụng tài sản bị kê biên (chẳng hạn đốt cháy tài sản).
Tài sản bị kê biên là tài sản bị cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp kê biên nhằm hạn chế các quyền của chủ sở hữu tài sản để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng: Được hiểu là gây ra những thiệt hại cho việc niêm phong, phong tỏa hoặc thiệt hại cho tài sản bị kê biên (Thí dụ do phá hủy niêm phong nên đã làm thất thoát tài sản bị kê biên, bị niêm phong không thể thu hồi được, gây ảnh hưởng xấu đến việc xét xử, thi hành án).
* Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án.
* Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
* Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự được cơ quan có thẩm quyền giao bảo quản tài sản bị kê biên hoặc bị niêm phong.
3. Về hình phạt
+ Khung 1 (khoản 1)
Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
+ Khung 2 ( khoản 2)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
- Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
+ Hình phạt bổ sung (khoản 3)
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí