Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

ĐIỀU 154. TỘI MUA BÁN, CHIẾM ĐOẠT MÔ HOẶC BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI


1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì mục đích thương mại;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với 06 người trở lên;

d) Gây chết người;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

BÌNH LUẬN

1. Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một tội danh mà chỉ xử lý tương ứng về các hành vi xâm hại đến tính mạng và sức khỏe của người khác trong các tội phạm như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác...

2. Về dấu hiệu pháp lý của tội phạm

* Chủ thể thực hiện tội phạm: Chủ thể thực hiện tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không phải là chủ thể đặc biệt. Bởi vậy chủ thể là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Như vậy người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

* Về khách thể của tội phạm: Khách thể chính của tội phạm này là sức khỏe và tính mạng của người khác bởi được xếp vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người trong Bộ luật hình sự năm 2015. Trực tiếp ở đây là mô và bộ phận cơ thể của người.

“Mô” dưới góc độ khoa học được hiểu là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định.

“Bộ phận cơ thể người” là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trên cơ thể người bao gồm các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, các cơ quan khác trong hệ cơ quan của con người. Đấy là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể người nếu không xảy ra các yếu tố tác động từ bệnh lý hoặc ngoại lực.

* Về mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi phải có lỗi cố ý khi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Tội phạm này không thể hiện dưới lỗi vô ý bởi bản chất của hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt đã thể hiện rõ ý thức của người thực hiện hành vi.

* Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi chính, bao gồm mua bán hoặc chiếm đoạt hoặc vừa chiếm đoạt vừa mua bán đều bị xử lý về tội này. Bản chất của hành vi mua bán không trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân mà hoàn toàn dựa vào mục đích lợi nhuận và đối tượng của hành vi mua bán đó là mô hoặc bộ phận cơ thể người. Bản chất của hành vi chiếm đoạt thì có thể trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt, chiếm đoạt từ người khác và không phải mọi trường hợp chiếm đoạt đều vì mục đích lợi nhuận. Cần tách bạch giữa việc tác động vào cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt bộ phận cơ thể với hành vi tác động vào nạn nhân để cố ý gây thương tích hoặc giết người bởi mục đích của hành vi này là căn cứ quan trọng để định tội danh.

Hậu quả hành vi chiếm đoạt được mô hay bộ phận cơ thể là yêu cầu bắt buộc khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này. Bởi vậy đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể phải được gắn bó chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất.

3. Về khung hình phạt

Theo cấu thành cơ bản tại Khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội tại Khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Phạm tội tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một bước đi có giá trị từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhất là trong bối cảnh các hành vi mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể người diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, vừa có tác dụng hỗ trợ cho công tác đấu tranh truy quét loại tội phạm này trên thực tế khi chưa được hình sự hóa tại Bộ luật hình sự năm 1999 trước đây.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)