Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (điều 361)

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (điều 361)


Theo điều 361, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội cố ý làm lộ bí mật công tác,  tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác như sau:

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

e) Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội  cố ý làm lộ bí mật công tác,  tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.


 

Bình luận

1. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác là hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều110, 337 và 342 này.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

* Khách thể của tội phạm: Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

Đối tượng tác động; Tài liệu bí mật công tác. Trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, ngoài tội gián điệp và tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, các nhà làm luật còn bổ sung thêm một trường hợp loại trừ tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, đó là tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

* Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan cấu thành tội cố ý làm lộ bí mật công tác là hành vi để lộ bí mật công tác cho người không có trách nhiệm biết. Người phạm tội có thể để lộ bằng lời nói, chữ viết của mình hoặc để cho người khác xem hoặc bằng cách khác làm bí mật công tác bị tiết lộ.

Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm bí mật công tác bị tiết lộ.

Hành vi khách quan của tội chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài liệu chứa đựng bí mật công tác. Người phạm tội có thể chiếm đoạt bằng những thủ đoạn khác nhau. Việc chiếm đoạt có thể xảy ra công khai hoặc lén lút, dùng bạo lực hay không bạo lực, dùng thủ đoạn gian dối hoặc lạm dụng tín nhiệm,…

Tội phạm hoàn thành khi tài liệu chứa đựng bí mật công tác thoát ra khỏi sự quản lí của người có trách nhiệm.

Hành vi khách quan của tội mua bán tài liệu bí mật công tác đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi dùng tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác để trao đổi lấy tài liệu bí mật công tác. Trường hợp người phạm tội dùng tài liệu bí mật công tác để thanh toán một dịch vụ nhất định cũng cấu thành tội này. Trường hợp người phạm tội chỉ tặng, cho người khác tài liệu bí mật công tác thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật công tác.

Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật công tác được đưa ra trao đổi lấy tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Hành vi khách quan cấu thành tội tiêu hủy tài liệu bí mật công tác là hành vi hủy hoại. Việc hủy hoại có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau như đốt, xé, dùng hoá chất tẩy xoá hoặc bằng cách khác làm cho tài liệu chứa đựng bí mật công tác mất hẳn nội dung không thể phục hồi lại được.

Tội phạm hoàn thành từ thời điểm tài liệu bí mật công tác bị tiêu hủy.

* Chủ thể: Chủ thể của các tội phạm này là bất kỳ ai. Đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác thông thường chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn.

* Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý.

Tình tiết tăng nặng:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;

+ Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

3. Về hình phạt

Khung cơ bản:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (như vậy là tăng khung cơ bản so với Bộ luật hình sự năm 1999 quy định khung cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm).

Khung tăng nặng: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)