LÀM GÌ SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY. Chúng tôi chia sẻ đến Quý vị khách hàng một số công việc cơ bản nhất cần phải làm sau khi thành lập Công ty như sau

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

LÀM GÌ SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY.


Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập công ty. Bên cạnh việc lên kế hoạch kinh doanh, tuyển dụng nhân sự, ổn định cơ sở vật chất văn phòng Công ty... Quý vị khách hàng cần làm gì, liên hệ với cơ quan nào, mua sắm những gì để phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh, triển khai công tác báo cáo thuế, sổ sách kế toán cho Công ty. Công ty Luật Hoàng Sa là đơn vị chuyên tư vấn thủ tục thành lập công ty. Chúng tôi chia sẻ đến Quý vị khách hàng một số công việc cơ bản nhất cần phải làm sau khi thành lập Công ty như sau:

 

1. CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP: 

  • Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
  • Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng buộc phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định (Điều 45 Nghị định 122/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư).

 

2. TIẾN HÀNH TREO BẢNG BIỂN CÔNG TY TẠI TRỤ SỞ:

  • Doanh nghiệp phải tiến hành làm biển công ty và gắn tại trụ sở chính của doanh nghiệp và tại chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) sau khi doanh nghiệp được thành lập.
  • Nếu không thực hiện, theo điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

 

3. NỘP THUẾ THEO QUY ĐỊNH:

3.1. Lệ phí môn bài:

  • Luật Phí và Lệ phí ra đời có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, cùng với đó là Nghị định 139/2016/NĐ-CP Quy định về lệ phí môn bài thì khái niệm thuế môn bài được thay bằng lệ phí môn bài. Theo Nghị định này, lệ phí môn bài mà doanh nghiệp mới thành lập  phải đóng căn cứ theo vốn điều lệ là như sau: (Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm; Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm).
  • Ngoài ra, Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC Hướng dẫn về lệ phí môn bài (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 65/2020/TT-BTC) quy định thêm Tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh) được thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.”
  • Thời hạn kê khai lệ phí môn bài, điểm a, khoản 1, Điều 10 Nghị định  126/2020/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 91/2022/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp mới thành lập phải thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
  • Từ những quy định trên ta thấy rằng những doanh nghiệp mới thành lập trong những năm được miễn lệ phí môn bài năm đầu sau thanh lập theo quy định của pháp luật (áp dụng Nghị định 22/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài) tuy được miễn lệ phí này nhưng vẫn phải nộp tờ khai lệ phí môn bài.

3.2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT):

  • Về xác định kỳ kê khai thuế GTGT:

- Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 91/2022/NĐ-CP)“Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.”

- Như vậy doanh nghiệp mới thành lập thực hiện kê khai thuế GTGT theo quý và đến khi khi tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề (đủ 12 tháng) từ 50 tỷ đồng trở lên thì có thể khai thuế GTGT theo tháng.

  • Về việc lựa chọn phương pháp tính thuế GTGT:

- Có hai phương pháp là khấu trừ và trực tiếp. Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:

- Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.

- Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.

Doanh nghiệp thực hiện ổn định phương pháp tính thuế GTGT trong vòng 2 năm. Nếu có thay đổi phương pháp tính thuế GTGT, doanh nghiệp nên làm công văn thông báo chuyển đổi cho cơ quan thuế quản lý.

3.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

  • Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp khai quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, trừ trường hợp sau:

- Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài thì khai theo từng lần phát sinh;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên của doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính thuế TNDN tỷ lệ trên doanh thu thì kê khai kê khai theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng (nếu trong tháng phát sinh nhiều lần).

  • Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, Doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh việc nộp thuế TNDN) và không cần nộp tờ khai thuế tạm tính theo quý. Số thuế đã tạm nộp sẽ được trừ với số thuế phải nộp theo quyết toán thuế năm. Và theo nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì “Tổng số thuê thu nhập doanh nghiệp đẫ tạm nộp của 04 quý không được thâp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm”.

3.4. Thuế thu nhập cá nhân

  • Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 thì doanh nghiệp mới thành lập chọn khai thuế GTGT theo quý thì khai thuế TNCN cho người lao động theo quý, theo đó hạn chót nộp hồ sơ khai thuế TNCN là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế (tương tự như khai thuế GTGT theo quý).
  • Ngoài các loại thuế nêu trên, tùy theo ngành, nghề và các loại hình kinh doanh mà doanh nghiệp phải nộp thêm các loại thuế khác như: Thuế xuất nhập khẩu; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế tài nguyên; Thuế bảo vệ môi trường; …được quy định cụ thể trong các Luật thuế nhất định.

 

4. HÓA ĐƠN, CHỮ KÝ SỐ, MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG:

4.1. Về hoá đơn:

  • Hiện nay, trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều loại hoá đơn như là: Hóa đơn giá trị gia tăng, Hóa đơn bán hàng, Hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm;… được thể hiện dưới hình thức là hoá đơn giấy (tự in hoặc đặt in) và hoá đơn điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi hóa đơn điện tử khi mua – bán hàng hóa dịch vụ trước ngày 01/07/2022. Bởi theo khoản 2, Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP Quy định về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ 01/11/2018: “Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.”
  • Tuy nhiên mới đây, Tại nghị định 123/2020/NĐ-CP Quy định về hoá đơn, chứng từ, cụ thể tại khoản 3, Điều 59, Chính phủ đã điều chỉnh thời hạn bắt buộc hóa đơn điện tử đến ngày 1/7/2022.
  • Như vậy các doanh nghiệp cần chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định của pháp luật.

4.2. Chữ ký số:

  • Chữ ký số, chữ ký điện tử hay token với hình dáng giống USB là thiết bị phổ biến hiện nay được nhà nước yêu cầu mỗi doanh nghiệp sử dụng dùng để hỗ trợ việc doanh nghiệp nộp báo cáo và thuế điện tử, kê khai thuế quan, hải quan,… có ưu điểm là tiện lợi, nhanh chóng, không tốn thời gian đi lại in ấn, đóng dấu.
  • Hiện nay, Chữ ký số được áp dụng gần như toàn bộ cho quá trình quan trọng của việc kê khai thuế, sổ sách kế toán như:

- Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán (Điểm e khoản 1 Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC).

- Hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, khi sử dụng hóa đơn điện tử phải có phần chữ ký số (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

- Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (Khoản 10 Điều 17 Luật quản lý thuế 2019).

  • Như vậy, các doanh nghiệp mới thành lập PHẢI mua chữ ký số để thực hiện kê khai thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử; ký email, văn bản điện tử hoặc đăng ký giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, giúp cho việc quản lý doanh nghiệp tiện lợi hơn, phù hợp với xu thế chung số hoá, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh thương mại.

4.3. Mở tài khoản ngân hàng:

  • Tài khoản ngân hàng mang lại rất nhiều sự tiện lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế hay thực hiện các giao dịch kinh doanh. Hơn nữa, theo quy định của Luật Thuế, đối với những hợp đồng có giá trị từ 20.000.000 trở lên, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thanh toán/nhận thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản. Vì vậy, sau khi thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp. Và Từ ngày 01/05/2021 khi Thông tư 01/2021/TT- BKHĐT Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực thì không còn mẫu hồ sơ kê khai tài khoản ngân hàng với Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, sau khi doanh nghiệp sau khi mở tài khoản thì không phải thực hiện thủ tục kê kê khai số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp mới mở với Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư như trước kia nữa.

 

5. XÂY DỰNG CÁC QUY CHẾ NỘI BỘ:

Doanh nghiệp là một tổ chức có nhiều cá nhân làm việc, do đó cần phải có những quy định, nguyên tắc cơ bản để áp dụng chung cho mọi người trong suốt quá trình hoạt động. Một số quy định mà Quý vị có thể phải cần triển khai như:

  • Nội quy làm việc của Công ty
  • Xây dựng quy chế tài chính nội bộ
  • Quy trình xem xét các vấn đề nội bộ như tăng lương, khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, chấm dứt, sa thảo ...
  • Xây dựng và thông báo Thang lương, Bảng lương

 

LIÊN HỆ VỚI LUẬT SƯ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN:

Bất kỳ thắc mắc nào sẽ được luật sư giải đáp miễn phí cho bạn:

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)