Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng


1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Bình luận:

Nếu so sánh quy định này với quy định cũ tại Điều 47 BLHS 1999 thì Bộ Luật mới đã thêm trường hợp quy định tại khoản 2 và mở rộng hơn việc áp dụng (không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề) đối với người phạm tội lần đầu với vai trò là người giúp sức và việc đóng góp không đáng kể. Bên cạnh đó quy định mới cũng tách ra làm 3 Khoản rất rõ rệt, dễ đọc dễ nắm bắt hơn so với quy định cũ khi tất cả nội dung dồn vào một đoạn mà không có sự chia tách để đảm bảo tính truyền đạt nội dung quy phạm.

Trước tiên chúng ta cần phân tích để hiểu hơn về Điều luật trên. Quá trình để tuyên một Bán án hình sự rất dài dòng, phức tạp tuy nhiên để dễ hiểu, tác giả sẽ nêu một cách vắn tắt nhất.

Bước 1: Định tội (xem bị cáo phạm tội gì)

Bước 2: Định khung hình phạt (xem bị cáo sẽ thuộc khung hình phạt nào của tội đó)

Bước 3: Định lượng hình phạt (xem bị cáo bị phạt ở mức cụ thể là bao nhiêu (tiền, năm tù, v.v…)

Trong 3 bước này thì bước 2 là bước mà chúng ta sẽ quan tâm vì nó có liên quan trực tiếp đến quy định tại Điều luật này, cụ thể: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

Như vậy việc đầu tiên cần làm là phải biết khung hình phạt là gì? Đã nói đến khung là chúng ta phải nói đến một khoảng, có điểm thấp nhất và cao nhất (giống như điểm sàn và điểm trần của khung giá) và về nguyên tắc khi đã xác định được khung hình phạt thì Tòa án chỉ được tuyên hình phạt nằm trong giới hạn của khung đó, nếu không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức án được tuyên sẽ là trung bình cộng điểm thấp nhất và cao nhất, ví dụ: khung từ 3 – 7 năm thì mức tuyên trong trường hợp này là 5 năm. Nếu càng nhiều tình tiết tăng nặng thì mức án được tuyên sẽ càng tiệm cận đến trần. Trường hợp ngược lại, có càng nhiều tình tiết giảm nhẹ thì mức án sẽ càng tiệm cận đến mức sàng (tối thiểu). Tuy nhiên dù lên trần hay xuống sàn thì mức án được tuyên bắt buộc phải nằm trong giới hạn, đó là nguyên tắc. Tuy nhiên, Điều 54 là ngoại lệ khi pháp luật cho phép Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung (lọt sàn). Pháp luật cũng giới hạn chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng:

Trường hợp 1: Khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

Trường hợp ngoại lệ này có 2 lưu ý, lưu ý đầu tiên là số lượng tình tiết giảm nhẹ ít nhất phải từ 2 trở lên và tình tiết đó phải là những tình tiết đã được nhà làm luật chỉ định rõ tại Khoản 1 Điều 51. Trở lại với các tình tiết giảm nhẹ chúng ta có thể thấy tại Khoản 2 Điều 51 cho phép Tòa án mở rộng thêm các tình tiết giảm nhẹ kèm theo điều kiện ghi rõ lý do trong Bản án, nhưng những tình tiết giảm nhẹ đó sẽ không có giá trị (không được tính số lượng) để quyết định áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung. Quy định này được kế thừa từ những quy định cũ, không có gì mới lạ cho thấy quan điểm của nhà làm luật không đổi, cho phép Tòa án mở rộng tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng kiềm chế việc lạm dụng nhằm chạy án.

Lưu ý thứ hai chính là giới hạn của việc lọt sàn, chính xác là bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Thực ra nếu không có 2 từ nhẹ hơn thì chúng ta cũng bắt buộc phải hiểu là nhẹ hơn vì không có chuyện lọt sàn mà lại nặng hơn, tuy vậy để đảm bảo tính chính xác tường minh thì việc quy định thêm hai chữ nhẹ hơn cũng không có gì là thừa. Thêm vào đó phải là liền kề, vì có thể trong một Điều luật (về một tội phạm) có rất nhiều khung khác nhau do vậy từ liền kề giới hạn rõ độ rơi của quyết định hình phạt, không cho phép lọt qua khung liền kề đến khung kế tiếp.

Ví dụ: Điều 173. Tội trộm cắp tài sản có các khung

i) [phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù 06 tháng – 03 năm]

ii) [Phạt tù 02 – 07 năm]

iii) [Phạt tù 07 – 15 năm]

iv) [Phạt tù 12 – 20 năm]

Giả định Tòa án xác định người phạm tội thuộc khung iii) nhưng do có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 51 nên Tòa án có sử dụng quy định tại Điều Luật này để tuyên mức án nằm trong khung ii) nhưng không được xuống tới khung i)

Trường hợp 2: Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể (không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn).

Như đã đề cập đây là trường hợp hoàn toàn mới so với quy định cũ, mới cả về trường hợp được áp dụng và mới cả về giới hạn lọt sàn. Cụ thể, nếu trường hợp 1, việc lọt sàn bắt buộc phải rơi váo khung hình phạt liền kề thì trong trường hợp này việc lọt sàn không bắt buộc phải như vậy, trở lại ví dụ phía trên nếu Tòa xác định khung hình phạt áp dụng vẫn là iii) thì khi vận dụng quy định này Tòa có thể ra quyết định phạt trong khung i) mà không bắt buộc là khung ii), lưu ý là không bắt buộc chứ không phải là không, nghĩa là Tòa vẫn có quyền tuyên quyết định phạt ở khung ii) nếu xét thấy phù hợp.

Đối tượng mà nhà làm luật hướng đến ở đây là những người đồng phạm với vai trò là người giúp sức (bản thân vai trò này đã cho thấy mức độ gây thiệt hại cho xã hội đã ít hơn nhiều so với vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, thực hành), thêm vào đó sự giúp sức này đóng góp không đáng kể, tức mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đã ít lại càng ít thì sẽ thuộc điều chỉnh của quy định này. Đó cũng là nguyên nhân mà việc lọt sàn không bị giới hạn ở khung liền kề và xét thấy quy định như vậy đã là khá hợp lý.

Có một vấn đề là không phải Điều luật nào cũng có nhiều khung hình phạt hoặc khung hình phạt Tòa án đang định áp dụng đã là khung hình phạt thấp nhất (không có khung liền kề nhẹ hơn) thì không thể áp dụng 2 quy định tại Khoản 1 và Khoản 2. Do đó nhà làm luật đã dự liệu luôn trường hợp này tại Khoản 3, cụ thể như sau:

Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Giả định trường hợp trên xảy ra thì Tòa án có 2 sự lựa chọn: Một là tuyên hình phạt dưới mức thấp nhất của khung ví dụ khung hình phạt là [03 – 07 năm tù] và đã là khung thấp nhất thì Tòa có thể tuyên dưới 03 năm hoặc chuyển sang loại hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền v.v…tùy từng trường hợp cụ thể. 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)