Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh


1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Bình Luận

Đây là qui định mà pháp luật dự liệu các trường hợp người phạm tội bị bắt buộc chữa bệnh, đồng thời nó còn thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Cho dù người phạm tội có thực hiện hành vi nguy hiểm như thế nào đối với xã hội, gây ra hậu quả ra sao, xâm phạm bao nhiêu quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì khi có cơ sở xác định người phạm tội mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì yêu cầu tiên quyết được đặt ra là áp dụng biện pháp tư pháp “bắt buộc chữa bênh” đối với người phạm tội. Trường hợp người phạm tội bị bắt buộc chữa bệnh có thể xảy ra tại bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình điều tra, truy tố xét xử.

Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh được qui định tại Điều 21 Bộ luật này. Cụ thể là “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đây là trường hợp mà một người trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì bản thân họ đã bị các bệnh nêu trên, nếu không bị bệnh thì chắc chắn hành vi này đã không xảy ra trên thực tế vì khi đó họ có đầy đủ nhận thức để điều khiển hành vi của mình như thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội và qui định của pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật này đã qui định rất rõ các yếu tố cấu thành tội phạm: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện…”. Vì mắc các bệnh được qui định tại Điều 21 Bộ luật này mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi hay nói cách khác họ hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm hình sự, do vậy mà các đối tượng này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi mà họ thực hiện không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Và trong trường hợp này, Viện Kiểm Sát hoặc Tòa án căn cứ trên kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định đưa những người này điều trị bắt buộc tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.

Trường hợp 2: Khác với trường hợp 1, đây là trường hợp mà người phạm tội mắc bệnh khi đang trong giai đoạn “sau khi thực hiện hành vi phạm tội đến trước khi bị kết án”. Mặc dù cũng mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh do mình thực hiện. Vì đang trong tình trạng không còn khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nên không thể tiếp tục buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự mà trách nhiệm này sẽ bị gián đoạn cho đến khi người phạm tội khỏi bệnh.

Tương tự trường hợp 1, Tòa án sẽ căn cứ theo kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần mà ra quyết định buộc người phạm tội phải chữa trị tại một cơ sở điều trị chuyên khoa.

Trường hợp 3: Đang chấp hành hình phạt tù

Đây là trường hợp mà người phạm tội bị mắc bệnh trong khi đang chấp hành hình phạt tù, việc mắc bệnh này dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội. Vì vậy khi có quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì thời hạn chấp hành hình phạt tù tạm thời ngưng cho đến khi người phạm tội được điều trị khỏi bệnh. Trừ trường hợp có lý do được miễn chấp hành hình phạt, nếu không người phạm tội vẫn phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong thời hạn còn lại.

Đối với trường hợp này, pháp luật qui định thời hạn bắt buộc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt. Điều này có nghĩa thời hạn chữa bệnh bao lâu thì được trừ vào thời hạn hình phạt tù còn lại, nếu khi khỏi bệnh mà thời gian điều trị bằng hoặc dài hơn phần thời hạn còn lại thì người phạm tội không phải tiếp tục chấp hành hình phạt nữa.

Cả ba trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nêu trên đều phải đảm bảo vấn đề người phạm tội chỉ khi nào điều trị khỏi bệnh thì mới tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt tù còn lại. Việc bệnh của người phạm tội chỉ mới dừng ở mức thuyên giảm, chưa khỏi thì không đủ cơ sở để tiếp tục truy cứu hoặc áp dụng hình phạt. 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)