Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Điều 36. Cải tạo không giam giữ
1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
Bình luận
Đây là hình phạt mang tính chất giáo dục, cải tạo để người phạm tội có thể hoàn lương, trở thành công dân có ích cho xã hội, tính trừng trị trong hình phạt này gần như là không có. Hình phạt cải tạo không giam giữ có một số đặc điểm sau:
Thời hạn áp dụng: từ 06 tháng đến 03 năm, đây là khung thời hạn áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ, sẽ tùy trường hợp mà áp dụng mức hình phạt cụ thể khác nhau. Tuy nhiên bặt buộc không được dưới 06 tháng và không được quá 03 năm. Không có một quy định thành văn nào nhưng thông lệ nếu xét thấy thời gian phạt cải tạo không giam giữ dưới 06 tháng thì sẽ chuyển sang hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền còn thời hạn trên 03 năm thì sẽ chuyển sang hình phạt tù có thời hạn.
Điều kiện áp dụng: Phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Từ nếu ở đây cho chúng ta thấy được: phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng chỉ là điều kiện cần và chứ chưa phải là điều kiện đủ để người thực hiện hành vi phạm tội được áp dụng hình phạt này. Mấu chốt của vấn đề là việc xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Mà sự xét thấy đó rất mang tính cảm tính và được quyết định bởi Hội đồng xét xử (bao gồm Thẩm phán và hội thẩm). Theo tác giả, pháp luật trao một quyền khá lớn cho HĐXX trong khi không có định hướng rõ ràng tiêu chí như thế nào thì xét thấy cần hoặc không cần cách ly ra khỏi xã hội là chưa ổn dễ dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất và mang nặng tính chủ quan của HĐXX trong từng vụ án cụ thể.
Người tiếp nhận: Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục + sự phối hợp của gia đình. Trong từng trường hợp cụ thể mà Tòa án sẽ quyết định giao người phạm tội cho cơ quan tổ chức nơi học tập,làm việc hoặc giao cho UBND cấp xã. Việc giao cho ai này sẽ được quy định rõ trong bản án sau khi xét xử. Gia đình trong trường hợp này chỉ giữ vai trò phối hợp giám sát, giáo dục.
Nghĩa vụ: thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
So với quy định tại Bộ Luật hình sự cũ thì việc khấu trừ này đã quy định rõ hơn về phương thức đó là khấu trừ hàng tháng. Bên cạnh đó cũng quy định thêm trường hợp không thực hiện việc khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra Bộ Luật này cũng quy định rõ nếu người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt (không có thu nhập) thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng với thời gian không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Đây là một quy định mới và tác giả đánh giá là tiến bộ, giảm thiếu sự bất công. Bởi lẽ, nếu A và B cùng bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng A có việc làm và có thu nhập thì sẽ bị khấu trừ trong khi B thất nghiệp thì không bị khấu trừ và cũng không bị chế tài khác thay thế là vô lý. Do đó trong Bộ Luật lần này nhà làm luật đã đưa vào biện pháp có giá trị thay thế khá tương xứng với việc bị khấu trừ thu nhập là hợp lý.
Một số lưu ý:
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí