Điều 40. Hình phạt Tử hình theo Bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Điều 40. Tử hình


1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Bình luận

Đặc điểm: Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật hình sự áp dụng đối với người phạm tội và hậu quả pháp lý là người phạm tội phải trả giá bằng mạng sống của mình. Xét về tính răn đe thì đây là hình phạt có tính răn đe mạnh nhất nhưng ẩn chứa trong nó vẫn có một yếu tố gì đó mang tính chất trừng trị và không mang tính chất nhân đạo vì nó tước đi quyền sống của con người (quyền tự nhiên). Do đó hiện nay trên thế giới cũng có 2 trường phái quan niệm về việc tiếp tục giữ hay loại bỏ án tử hình ra khỏi luật hình sự. Một số quốc gia đã bỏ hẳn hình phạt này, một số quốc gia tuy vẫn giữ nhưng sẽ dè chừng, hạn chế áp dụng và một số quốc gia còn lại vẫn tiếp tục duy trì và không có động thái nào về việc thể hiện xu hướng lập pháp về việc này. Việt Nam chúng ta thuộc vào nhóm thứ hai, so với Bộ Luật hình sự cũ chúng ta đã bỏ đi khá nhiều hình phạt tử hình đối với một số tội và đó cũng là hướng đi trong thời gian tới theo quan điểm của các nhà lập pháp hiện tại. Vấn đề bỏ hẳn hình phạt tử hình này trong Bộ Luật hình sự Việt Nam hay không là một vấn đề lớn và tất nhiên là luôn có 2 luồng quan điểm trái chiều, tranh cãi dữ dội của giới nghiên cứu khoa học pháp lý cũng như của người dân trong xã hội. Do đó, chúng ta sẽ có dịp trao đổi cụ thể về vấn đề này ở một đề tài thảo luận pháp lý nào đó trong tương lai.

Điều kiện áp dụng: Hình phạt này chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (loại tội phạm nguy hiểm nhất), thông thường sẽ là các tội phạm thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng. Khách thể mà những tội phạm này xâm hại đến là những quan hệ xã hội rất quan trọng, cần được bảo vệ một cách an toàn nhất do đó khi quan hệ xã hội đó bị xâm phạm hình phạt áp dụng thường sẽ là chung thân hoặc tử hình để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên hậu quả pháp lsy của hình phạt này rất lớn đó là tính mạng của con người chứ không đơn thuần là một số quyền, lợi ích luật định bị tước bỏ vì quyền sống là quyền tự nhiên của con người. Do vậy, pháp luật cũng rất hạn chế áp dụng hình phạt này và nêu rõ một vài trường hợp ngoại lệ sẽ không áp dụng mặc dù tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã đến mức có thể áp dụng nhằm mục đích thể hiện tính nhân đạo của nhà nước. So với trường hợp loại trừ áp dụng án chung thân thì những trường hợp loại trừ áp dụng án tử hình nhiều hơn, cụ thể bao gồm:

Thứ nhất: người dưới 18 tuổi khi phạm tội. Lưu ý đầu tiên là thời điểm tính tuổi là khi người đó thực hiện hành vi phạm tội. Điều này cực kỳ quan trọng vì không phải khi nào hành vi phạm tội cũng bị phát hiện ngay tại thời điểm thời điểm thực hiện hành vi. Trong rất nhiều trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nhưng thời điêm phát hiện, xét xử người đó đã đủ 18 tuổi thì cũng sẽ không áp dụng hình phạt tử hình. Lưu ý thứ hai là dưới 18 tuổi nhưng phải đảm bảo tối thiểu đủ 14 tuổi thì mới là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dưới tuổi đó không làm phát sinh trách nhiệm hình sự do không đáp ứng điều kiện về chủ thể do vậy cũng không cần phải xem xét đến việc có áp dụng hình phạt tử hình hay không. Lưu ý thứ ba, tuổi ở đây là tính theo tuổi đủ, nghĩa là đủ năm, đủ tháng đủ ngày căn cứ vào Chứng minh nhân dân (thẻ căn cước), giấy khai sinh và trong một số trường hợp là phân tích đã xác định tuổi nếu không có giấy tờ để căn cứ. Không tính tuổi theo ông, bà dân gian hay tính là cứ sinh vào năm nào thì cũng tính là 1 tuổi, một người sinh 01/01 cũng bằng tuổi với người sinh 31/12, cách này không đúng và thông thường người được tính tuổi sẽ bị già hơn 1 tuổi.

Thứ hai: phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Có thể thấy thời điểm áp dụng việc loại trừ này đối với chủ thể là phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi rộng hơn chủ thể là người dưới 18 tuổi. Cụ thể thời điểm tính bao gồm cả khi phạm tội hoặc khi xét xử. Quy định này cho thấy rõ sự nhân đạo của nhà nước đối với chủ thể phạm tội khá đặc biệt phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng). Phần nào đó có thể hiểu trong lúc mang thai phụ nữ thường có những thay đổi lớn về tâm sinh lý (thông thường là theo hướng tiêu cực) do đó ảnh hưởng đến sự nhận thức và kiểm soát việc thực hiện hành vi của mình. Trong một số trường hợp sau khi sinh xong phụ nữ mắc một số bệnh như trầm cảm sau sinh và một số dạng bệnh lý tương tự khác do đó pháp luật dự trù việc nuôi con nhỏ trong thời hạn 36 tháng cũng khá an toàn để người phụ nữ phục hồi hoàn toàn lại tâm sinh lý và đứa trẻ cũng đủ độ tuổi nhất định để có thể chấp nhận cuộc sống không có mẹ (khi áp dụng án tử). Tác giả đánh giá quy định này khá hợp lý và nhân văn tuy nhiên việc áp dụng thời điểm là khi xét xử đã phần nào tạo cơ hội cho những người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện việc lợi dụng để thoát án tử.

Ví dụ: Cô E khi thực hiện hành vi phạm tội và khi bị phát hiện đưa ra xét xử hoàn toàn là một người phụ nữ bình thường, không thai nghén nuôi con nhỏ nhưng trong quá trình xét xử, trong quá trình bị tạm giam cô E đã tìm cách thông đồng với những người có liên quan để có thai và đương nhiên theo quy định sẽ không được áp dụng án tử với cô E.

Phân tích ví dụ trên có thể thấy không hề có một sự ảnh hưởng nào về tâm sinh lý của cô E trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (trong lúc mang thai và sau khi sinh) nhưng pháp luật vẫn đồng ý không áp dụng án tử cho cô này thì khi đó chỉ có một lý do duy nhất là nhân đạo đối với đứa trẻ sau khi sinh. Dù thực tiễn đã có không ít những trường hợp lợi dụng quy định này nhưng chính sách pháp luật của chúng ta vẫn nhất quán và không thay đổi và tác giả cũng ủng hộ quan điểm này vì tính nhân đạo của nó.

Thứ ba: người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đây là trường hợp mới được bổ sung vào những trường hợp không áp dụng ản tử so với Bộ luật hình sự cũ. Điều đó cho thấy chính sách của pháp luật hình sự ngày càng trở nên nhân đạo và phù hợp với xu hướng của thế giới hơn. Cụ thể những người đủ 75 tuổi trở lên khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc khi xét xử thì cũng thuộc trường hợp thất thập cổ lai hy, sống thọ được 70 thì xưa nay hiếm do vậy chúng ta không áp dụng hình phạt này một phần cũng thể hiện sự kính lão, tôn trọng quy mến người già phần nào dưới góc độ sinh học thì những người đến độ tuổi này não bộ đã lão hóa nhiều không còn minh mẫn nhưng lúc trẻ do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Do đó trường hợp bổ sung trong Bộ luật lần này là cần thiết và hợp lý.

Những trường hợp không thi hành án tử hình

Bản chất của những trường hợp này là đã có bản án và bản án đã tuyên án tử hình nhưng do thuộc một số trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định sau đây mà không thi hành án tử đó mà sẽ chuyển sang tù chung thân:

Thứ nhất: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Thứ hai: Người đủ 75 tuổi trở lên;

Thứ ba: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tác giả sẽ không phân tích 2 trường hợp đầu vì nó giống hoàn toàn với trường hợp không tuyên án tử (phát sinh sau khi bản án tử đã có hiệu lực). Tác giả xin làm rõ hơn về trường hợp thứ ba, trường hợp hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm, đã gây ra không ít những luồng ý kiến trái chiều từ lúc lấy ý kiến dự thảo, thảo luận cho đến lúc nó đã chính thức trở thành quy định trong Bộ Luật hình sự. 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)