Bắt giam cựu sinh viên du học Hàn Quốc lừa đảo xuất khẩu lao động. Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Bắt giam cựu sinh viên du học Hàn Quốc lừa đảo xuất khẩu lao động


Lê Quý Cường (SN 1994) đã đưa ra thông tin sai sự thật về việc có khả năng đưa người đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc, để chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Ngày 1/11, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thông tin ban đầu về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, trước đó, ngày 28/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Quý Cường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án này, cũng có một phần lỗi của các nạn nhân. Chỉ quen biết Cường trên mạng xã hội; không có điều kiện kiểm chứng các thông tin do đối tượng đưa ra, nhưng nạn nhân của vụ án vẫn tin tưởng, chuyển tiền cho đối tượng.

Trường hợp của anh Nguyễn Huy T. (SN 1978) và anh Đàm Xuân . (SN 1981, cùng trú tại tỉnh Bắc Ninh) là ví dụ. Do có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động, anh T. đã lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin. Khoảng tháng 8, tài khoản Facebook mang tên “Cường Lê”, đăng tải thông tin về việc tuyển người đi xuất khẩu lao động theo diện E8 - 2 với giá 3.500 USD/người (nghi phạm nói đây là diện đi lao động theo bảo lãnh của những phụ nữ Việt Nam lấy chồng ở Hàn Quốc). Sau khi tìm hiểu thông tin, anh T. đã liên hệ với chủ tài khoản Facebook, qua số điện thoại được đăng tải trên trang cá nhân của người này.

Trong quá trình nói chuyện, người đàn ông giới thiệu tên là Cường, hiện làm việc tại công ty phiên dịch Hàn Quốc, có trụ sở tại Hà Nội. Sự hiểu biết của người thanh niên về Hàn Quốc và thị trường lao động ở nước này đã khiến nạn nhân T. tin tưởng. Quá trình nói chuyện, đối tượng cam kết sẽ đưa anh T. sang lao động tại Hàn Quốc. Anh T. sau đó đã chuyển cho người thanh niên này 1.500 USD tiền đặt cọc, chi phí lao động.

Cùng vào thời điểm này, anh Đàm Xuân B. có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Vì thế, anh B. đã cùng với T. về Hà Nội, gặp người thanh niên tên Cường trên tại khu vực hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Tại buổi gặp gỡ, Cường cam kết sẽ đưa anh T. và B. đi xuất khẩu lao động như trên.

Khoảng nửa tháng khi đặt cọc, người đàn ông tên Cường tiếp tục yêu cầu các anh T. và B. mỗi người phải chuyển 240 triệu đồng để mở sổ tiết kiệm, làm thủ tục chứng minh tài chính. Khi đó, anh T. và B. chỉ gom được 120 triệu đồng. Sau khi trao đổi, Cường yêu cầu 2 nạn nhân chuyển số tiền trên vào tài khoản; phần còn lại, anh ta sẽ ứng đủ. Ngày 22/8, anh T. đã chuyển cho Cường 100 triệu đồng, ngày 2/9 tiếp tục chuyển 20 triệu đồng.

Theo lời khai của nạn nhân T. thì để làm tin, ngày 30/8, Cường yêu cầu anh T. đến địa chỉ trên đường Duy Tân (Hà Nội) để lấy xác nhận số dư tài khoản tại ngân hàng… Tại đây, anh T. nhận được một giấy xác nhận số dư tài khoản bên trong có 240 triệu đồng. Sau đó, Cường hứa hẹn đến ngày 15/10, sẽ hoàn tất cả thủ tục để đưa anh T. và B. đi sang Hàn Quốc lao động, nhưng sau đó anh T. liên lạc với Cường thì tắt máy; anh B. cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Nghi ngờ đã bị lừa, anh T. liên hệ với ngân hàng, thì biết tất cả giấy tờ của anh không có giá trị. Ngày 21/10, anh T. và B. đã làm đơn tố giác đến cơ quan công an; tổng số tiền họ bị chiếm khoảng hơn 250 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, dưới sự chỉ đạo của ban chỉ huy Công an huyện Thanh Trì, Đội điều tra tổng hợp đã tiến hành ghi lời khai của người bị hại. Một trong những khó khăn các điều tra viên phải đối mặt đó là các nạn nhân chỉ quen biết đối tượng qua mạng xã hội. Trong khi các biện pháp nghiệp vụ đang được triển khai, Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì nhận được thông tin trao đổi của Công an xã Thanh Liệt.

Theo đó, Công an xã Thanh Liệt nhận được thông tin trình báo của chị Sú Nhật Ph. (SN 1985, trú tại tỉnh Đồng Nai), phát hiện chủ Facebook “Cường Lê” đã nhận tiền để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, nhưng sau đó chiếm đoạt không trả.

Theo lời khai của chị Ph. thì vào tháng 6, qua mạng xã hội, chị đã liên lạc với chủ Facebook “Cường Lê”. Qua trao đổi, người thanh niên cho biết anh ta có khả năng đưa người đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc với chi phí là 160 triệu đồng, chị Ph. đồng ý với mức chi phí trên. Ngoài ra, trong quá trình nói chuyện, đối tượng Cường còn yêu cầu chị Ph, trả tiền vé máy bay là 15 triệu đồng. Sau đó, bạn của chị Ph. là Đoàn Thị Mộng T. (cũng ở tại Đồng Nai) đã chuyển 65 triệu đồng, nhờ chị T. chuyển cho Cường để làm thủ tục đi lao động xuất khẩu như trên.

Theo thỏa thuận, từ ngày 17/9 đến ngày 19/10, chị Ph. đã chuyển cho Cường 136 triệu đồng. Sau đó, chị Ph. đã liên lạc với Cường nhưng không được. Theo các thông tin có được về đối tượng, chị đã lặn lội từ Đồng Nai ra Hà Nội tìm kiếm người thanh niên tên Cường. Sau khi phát hiện đối tượng, chị Ph. đã trình báo sự việc đến cơ quan công an.

Từ thông tin trình báo của nạn nhân Ph., Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã tiến hành triệu tập đối tượng về trụ sở. Tại cơ quan Công an, căn cứ vào các tài liệu thu thập được và lời khai của đối tượng, các điều tra viên Đội điều tra Tổng hợp xác định Cường có tên đầy đủ là Lê Quý Cường. Ngoài lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Ph., nghi phạm đồng thời là kẻ chủ mưu thực hiện nhiều vụ lừa đảo của anh T. và B. như trên.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 28/10 Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Quý Cường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan Công an, Cường cho biết: Trước đây, Cường từng du học tại Hàn Quốc, nhưng sau đó bỏ học giữa chừng về Việt Nam nên am hiểu về lĩnh vực trên. Thời gian sau đó, đối tượng kinh doanh tiền ảo, thường xuyên bị thua lỗ gia đình đã nhiều lần phải trả nợ, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Khoảng tháng 7, để có tiền chơi tiền ảo, Cường đăng tin lên Facebook tìm người có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu tại Hàn Quốc. Khi các anh T. và B. chuyển thêm cho Cường số tiền 250 triệu đồng, thì Cường không làm gì và sử dụng toàn bộ số tiền này chơi tiền ảo.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì còn nhận được đơn của một số người ở các tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Hưng Yên, Nghệ An và TP Hà Nội, tố cáo Cường có thủ đoạn nêu trên chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng.

Hiện vụ án được Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì tiếp tục điều tra, làm rõ.

-Theo Zing-

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mức phạt tù


Theo điều 174, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)