Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225)

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225)


Theo điều 225, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.


 

BÌNH LUẬN:

  1. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là hành vi của người không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện việc sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
  2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
  • Khách thể của tội phạm: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ.
  • Mặt khách quan của tội phạm: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện bằng các hành vi sau:
  • Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình là hành vi nhân bản (sao chép) toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình (như in ấn thành sách, photocopy, sang đĩa, ghi băng các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình) mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.
  • Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình là hành vi kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa đồng ý.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản:

  • Quyền nhân thân gồm các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố sử dụng; công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vụ tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
  • Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn; bản ghi âm; chương trình phát sóng; tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên, nội dung quyền nhân thân và quyền tài sản của quyền liên quan phụ thuộc vào đối tượng của quyền liên quan trong từng trường hợp cụ thể (ví dụ: nếu người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì họ có đầy đủ cả các quyền về nhân thân và các quyền về tài sản. Nếu người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền về tài sản,…)

Các hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

  • Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 BLHS.
  • Mặt chủ quan của tội phạm: tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện với lỗi cố ý.
  1. Điều 225 quy định 03 khung hình phạt:
  • Người phạm tội theo quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Người phạm tội theo quy định tại khoản 2 thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, áp dụng đối với một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên; đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
  • Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội: ngoài hình phạt chính, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
  • Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội theo quy định tại khoản 4:

+ Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này;

+ Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại: pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)