Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223)

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223)


Theo điều 223, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm thất thoáttiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế không đúng quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật về thuế;

b)Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định của Luật quản lý thuế và quy định khác của pháp luật về thuế.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát tiền thuế 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, đối với tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.


 

BÌNH LUẬN:

  1. Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế, xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế không đúng quy định của pháp luật làm thất thoát tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Chính sách thuế một mặt đảm bảo được các nguồn thu cho ngân sách, một mặt cũng là chính sách tái phân phối, đảm bảo công bằng xã hội, là chính sách ưu đãi, khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, nhà nước ta áp dụng các loại thuế sau:

  • Thuế thu nhập cá nhân: Là loại thuế đánh vào những thu nhập chịu thuế (trừ những thu nhập được miễn thuế) của cá nhân và thực hiện theo luật thuế thu nhập cá nhân.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp: Là loại thuế đánh vào những thu nhập chịu thuế (trừ những thu nhập được miễn thuế) của doanh nghiệp và hiện nay thực hiện theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Thuế môn bài: Là loại thuế đánh vào các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Thuế môn bài thu mỗi năm một lần và được thực hiện theo luật thuế môn bài.
  • Thuế giá trị gia tăng: Là loại thuế đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Được thực hiện theo luật thuế giá trị gia tăng.
  • Thuế sử dụng đất (bao gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp): Là loại thuế đánh vào diện tích đất sử dụng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay có 2 luật thuế điều chỉnh chính thuế sử dụng đất là luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
  • Thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Là loại thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân và hiện được điều chỉnh theo luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
  • Thuế tài nguyên: Là loại thuế đánh vào các tài nguyên được khai thác trên lãnh thổ Việt Nam. Thuế này hiện được điều chỉnh theo luật thuế tài nguyên.
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt: Là loại thuế đánh vào những hàng hóa, dịch vụ đặc biệt và được điều chỉnh theo luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo công bằng trong chính sách thuế, đảm bảo cân bằng lợi ích của nhà nước và các cá nhân, tổ chức nộp thuế, trong từng luật thuế điều chỉnh các loại thuế cụ thể, nhà nước ta đều quy định các trường hợp được miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt và hoàn thuế chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng chính sách thuế, có nhiều cá nhân trong các cơ quan thuế lợi dụng chức vụ quyền hạn, đã áp dụng sai các chính sách thuế, gây thất thu ngân sách của nhà nước. Hành vi này được hình sự hóa tại Bộ luật hình sự năm 2015 của nước Việt Nam.

  1. Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm
  • Khách thể của tội phạm:

     Tội phạm thông đồng, bao che cho người nộp thuế là một tội phạm mới, cụ thể hóa hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế. Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý thuế, xâm phạm đến các quy định của nhà nước về thuế, gây ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý thuế của nhà nước, ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.

     Tội phạm này còn làm ảnh hưởng đến uy tín, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan thuế, ảnh hưởng đến uy tín nhà nước.

  • Mặt khách quan của tội phạm:
  • Hành vi khách quan: Các chính sách về thuế hiện nay được quy định tại Luật quản lý thuế, các luật thuế cụ thể cho từng loại thuế (luật thuế thu nhập cá nhân, luật thuế thu nhập doanh nghiệp,…) và các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật này. Hành vi khách quan của tội phạm thông đồng, bao che cho người nộp thuế là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện các chính sách về quản lý thuế của nhà nước nhưng đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật, làm thất thoát nguồn thuế của ngân sách nhà nước. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, sử dụng chức vụ, quyền hành đó làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Hành vi khách quan tội phạm này gồm các hành vi cụ thể sau đây:
  •  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt không đúng quy định của pháp luật:

+ Miễn thuế là việc các đối tượng chịu thuế (như hàng hóa, dịch vụ, thu nhập) được hưởng ưu đãi, được miễn toàn bộ, không phải nộp các khoản thuế áp dụng đối với hành hóa, dịch vụ, thu nhập đó. Đây là chính sách của nhà nước nhằm đảm bảo công bằng trong chính sách thuế, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh đối với những khu vực, lĩnh vực nhất định theo các quy định của pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc miễn thuế cũng được áp dụng như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho các cá nhân, tổ chức phải nộp thuế (Ví dụ: xét miễn thuế tài nguyên khi người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến số tài nguyên đã kê khai nộp thuế). Tùy từng loại thuế mà việc miễn thuế được áp dụng khác nhau. Việc miễn thuế được áp dụng theo đối tượng chịu thuế (thu nhập, hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên,…), áp dụng theo những hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng theo những tình huống cụ thể đáp ứng điều kiện nhất định theo những quy định chặt chẽ của pháp luật.

+ Giảm thuế là chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư trong những lĩnh vực, địa bàn nhất định; là chính sách hỗ trợ cho những người nộp thuế khi gặp những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giảm thuế là việc nhà nước hạ mức thuế suất áp dụng trên đối tượng chịu thuế, hạ số thuế phải nộp đối với những người nộp thuế. Cần lưu ý rằng, việc giảm thuế có thể áp dụng giảm toàn bộ số thuế phải nộp, nhưng trong trường hợp này cũng không được coi là miễn thuế. Miễn thuế được áp dụng trong toàn bộ thời gian hoạt động của người nộp thuế. Còn giảm thuế thì chỉ áp dụng trong những khoảng thời gian, những trường hợp nhất định. Nhà nước ta quy định nhiều trường hợp áp dụng chính sách giảm thuế, ví dụ như giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án mới, giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho những mặt hàng kỹ thuật cao, giảm thuế thu nhập cá nhân khi người nộp thuế gặp những khó khăn…

+ Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt: Để thuận lợi cho hoạt động thu thuế, kiểm toán ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế quy định chính sách xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt và được cụ thể, hướng dẫn chi tiết theo nghị định của chính phủ. Các khoản tiền thuế được xóa bao gồm: tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Hiện nay, việc xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt được áp dụng đối với những khoản tiền thuế, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc người nộp thuế là cá nhân được pháp luật coi như đã chết, đã mất tích mà không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; các khoản thuế, tiền phạt đã quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà không thu được các khoản tiền thuế, tiền phạt.

     Người phạm tội lợi dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để bao che, thông đồng với người nộp thuế áp dụng sai đối tượng, sai mức độ, sai trường hợp được miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc hoàn thuế không đúng quy định của pháp luật:

     Hoàn thuế là việc cơ quan thuế hoàn trả lại khoản tiền thuế, tiền phạt mà người nộp thuế nộp thừa, hoàn trả lại những khoản tiền thuế áp dụng trên các đối tượng miễn thuế, giảm thuế, không chịu thuế mà người nộp thuế đã kê khai và nộp thuế; hoàn trả lại những khoản tiền thuế khác mà người nộp thuế được hoàn lại. Hiện nay, pháp luật quy định áp dụng chính sách hoàn thuế đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

  • Hậu quả, thiệt hại:

     Hậu quả, thiệt hại là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị xử lý kỉ luật về các hành vi được quy định tại các điều luật mà còn vi phạm. Cần chú ý rằng, thiệt hại phải là thiệt hại thất thoát tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. Thất thoát có thể từ việc người nộp thuế không nộp thuế, tiền phạt phải nộp hoặc được lập hồ sơ hoàn thuế và nhận hoàn thuế không đúng, rút tiền ngân sách nhà nước. Tội phạm hoàn thành khi tiền thuế bị thất thoát, không có khả năng thu hồi.

     Hậu quả là khoản thuế thất thu trên thực tế, không phải là khoản thuế xác định trên những tài liệu mà người phạm tội áp dụng miễn, giảm, xóa nợ tiền thuế, hoàn thuế hay khoản thuế được xác nhận không đúng. Chẳng hạn, nếu người phạm tội thực hiện miễn thuế sai 1.000.000.000 đồng, nhưng người nộp thuế vẫn nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì không có hậu quả thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu người nộp thuế lại dựa vào đó để kê khai hoàn thuế và được hoàn số thuế đã nộp thì hậu quả thất thoát tiền thuế xảy ra và xác định theo khoản thuế đã được hoàn.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

     Lỗi của tội phạm này là cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình gây thiệt hại, gây thất thu thuế của nhà nước nhưng vẫn cố ý bao che, thông đồng với người nộp thuế để thực hiện hành vi phạm tội.

     Động cơ, mục đích: đây không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người phạm tội thực hiện hành vi có nhiều động cơ, mục đích khác nhau, có thể vì mối quan hệ cá nhân hay vì vụ lợi cá nhân.

  • Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này có dấu hiệu đặc biệt. Đó phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện các chính sách thuế. Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước.
  1. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự: Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp:
  • Hành vi phạm tội gây thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng trở lên
  • Hành vi phạm tội gây thất thoát tiền thuế phải nộp dưới 100.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về các hành vi được quy định trong điều luật.

Tại khoản 2 của điều luật quy định 4 tình tiết định khung tăng nặng như sau:

+ Vì vụ lợi: Người phạm tội thực hiện hành vi thông đồng, bao che cho người nộp thuế vì động cơ, mục đích là vì vụ lợi, tức là thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích cá nhân như để nhận được lợi ích vật chất, để có tiền, tài sản khác.

+ Có tổ chức: Những người thực hiện hành vi phạm tội có sự câu kết chặt chẽ với nhau, thành đường dây, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, chẳng hạn phân công người làm giả hồ sơ tài liệu, người lập khống hóa đơn, chứng từ, người thực hiện việc phê duyệt thực hiện hành vi miễn, giảm thuế trái các quy định…

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt: Người phạm tội sử dụng thủ đoạn phạm tội gây nhiều khó khăn cho người có trách nhiệm, các cơ quan quản lý trong việc phát hiện hành vi phạm tội.

+ Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

      Tại khoản 3 của điều luật quy định một tình tiết định khung theo số tiền thuế bị thất thu do hành vi phạm tội gây ra. Nếu số tiền thuế thất thu từ 1.000.000.000 trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 này.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)