Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
ĐIỀU 128. TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
BÌNH LUẬN
1. Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội vô ý làm chết người
* Khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm là con người.
* Mặt khách quan
Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả là làm người chết. Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử nạn. Ví dụ: như cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác… Hành vi vô ý làm chết người cũng có thể diễn ra dưới dạng không hành động, tức là không làm việc mà bản thân cần làm để giúp đỡ một người khiến cho họ bị chết.
Đây là cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
Nạn nhân của tội vô ý làm chết người có thể là bất cứ người nào. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ở đây, nạn nhân có thể là người thực hiện tội phạm nhưng vì sự vô ý hoặc quá tự tin của người phạm tội mà bản thân họ trở thành nạn nhân. Nạn nhân cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng bị tác động bởi hành vi vô ý dẫn đến việc thiệt mạng.
* Mặt chủ quan
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa Tội vô ý làm chết người với Tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Trong khoa học pháp lý hình sự, có hai hình thức lỗi cơ bản nêu trên được xác định trong các trường hợp phạm tội vô ý. Đối với tội vô ý làm chết người cũng tương tự, sẽ có 2 hình thức lỗi:
Làm chết người do vô ý vì cẩu thả là trường hợp do bất cẩn, thiếu thận trọng khi thực hiện hành vi mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghể. Ví dụ: Chị A dọn nhà trên tầng 5 khu tập thể, thấy viên gạch vỡ tiện tay ném qua cửa sổ. Dưới đó là lối đi chung của khu phố dẫn đến ông M đi qua bị tử vong. Khẳng định chi A có lỗi vô ý. Lỗi vô ý cẩu thả giống với sự kiện bất ngờ nhưng khác ở chỗ người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra.
- Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. Lỗi vô ý do tự tin khác với lỗi cố ý gián tiếp ở dấu hiệu tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra và dấu hiệu bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Cách phân biệt là ở chỗ, trong lỗi vô ý vì tự tin người phạm tội đã có sự cân nhắc, tính toán lựa chọn cách xử sự để không gây ra hậu quả nhưng thực tế hậu quả cứ xảy ra. Còn lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội cân nhắc, tính toán để giảm bớt hay tránh hậu quả mà có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: hai người thợ săn đi săn thì nhìn thấy xa xa có bác nông dân đang hút thuốc. Hai người thách đố nhau xem ai bắn trúng cái tẩu của bác nông dân. Một người đã bắn trượt viên đạn trúng vào đầu bác nông dân khiến bác này tử vong. Đây là trường hợp làm chết người với lỗi vô ý do tự tin.
* Chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ đủ 16 trở lên.
3. Hình phạt
Hình phạt đối với tội vô ý làm chết người được cấu thành trong khung hình phạt cơ bản tại Khoản 1 Điều 128 và khung tăng nặng tại Khoản 2 Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ sở cho việc tăng nặng là số người chết từ hành vi vô ý làm chết người gây ra.
Theo đó, vô ý làm chết 01 người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc Khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự là tội nghiêm trọng.
Vô ý làm chết người từ 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc Khoản 2 Điều 128 là tội rất nghiêm trọng.
Lưu ý: Không phải mọi trường hợp vô ý làm chết người đều xử lý theo Điều 128 Bộ luật hình sự. Nếu vô ý làm chết người đồng thời thỏa mãn cấu thành tội riêng biệt khác quy định tại các điều khác nhau của Bộ luật hình sự thì xử lý theo các tội riêng biệt ấy. Ví dụ: Bác sĩ khi khám bệnh đã vi phạm quy trình khám chữa bệnh gây hậu quả chết người thì xử lý về Tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng Điều 315 Bộ luật hình sự.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí