Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
ĐIỀU 129. TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP HOẶC QUY TẮC HÀNH CHÍNH
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
BÌNH LUẬN
1. Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc về an toàn lao động mà người phạm tội phải có trách nhiệm hay có nghĩa vụ do nghề nghiệp quy định. Ví dụ: một y tá tiêm thuốc Penicilin cho người bệnh nhưng không thử phản ứng dẫn đến bệnh nhân bị chết do phản ứng thuốc.
Những vi phạm quy tắc nghề nghiệp của người phạm tội là những vi phạm thuộc phạm vi một ngành, một nghề do Nhà nước quy định có tính chất nghiệp vụ để bảo đảm an toàn cho mọi người. Do làm một nghề mà nghề đó trực tiếp liên quan đến tính mạng của con người, nên phải tuân thủ những quy tắc an toàn, nếu vi phạm dễ dẫn đến chết người. Cũng là vô ý làm chết người, nhưng người vi phạm quy tắc nghề nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn.
2. Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc xã hội do Luật hành chính quy định:
Những quy tắc này có thể do các cơ quan hành chính nhà nước Sở Trung ương quy định như: Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định. Các quy phạm hành chính tương đối rộng, vì các quan hệ xã hội nếu không do các ngành luật khác điều chỉnh thì hầu hết do luật hành chính điều chỉnh. Ví dụ: một người chặt cây ở ven đường trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm đứt dây dẫn điện để người qua đường bị điện giật chết.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:
* Khách quan: là hành vi vô ý làm chết người. Đây là trường hợp người phạm tội có hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính với tính mạng của người khác.
* Khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người, đối tượng tác động của tội phạm là con người.
* Chủ quan: lỗi vô ý (có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả).
* Chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên.
Về cơ bản các dấu hiệu pháp lý của tội này tương tự như tội vô ý làm chết người. Điểm khác biệt giữa 2 tội này là quy tắc đảm bảo an toàn tính mạng của người khác mà người phạm tội vi phạm ở đây không phải là quy tắc an toàn nói chung mà là quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
4. Về hình phạt
- Cấu thành tội phạm cơ bản bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Cấu thành tội phạm tăng nặng bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm đối với phạm tội làm chết nhiều người.
Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí