Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội gian lận bảo hiểm y tế
Theo điều 215, bộ luật hình sự 2017 quy định về tội gian lận bảo hiểm y tế như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội gian lận bảo hiểm y tế thì mức phạt tù cao nhất lên đến 10 năm.
BÌNH LUẬN:
1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật Bảo hiểm y tế hiện hành để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện.
- Các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành bao gồm:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động).
2. Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân.
3. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng
4. Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
5. Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
6. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
7. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
8. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
9. Người có công với cách mạng.
10. Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật về cựu chiến binh.
11. Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo quy định của Chính phủ.
12. Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm.
13. Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
14. Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
15. Thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đã người có công với cách mạng.
16.Thân nhân của các đối tượng sau đây theo quy định của pháp luật về sĩ quan Quân đội nhân dân, nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân và cơ yếu:
a)Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân đang tại ngũ; hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;
b)Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn.
c) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang làm công tác cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ và người đang làm công tác cơ yếu hưởng lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân nhưng không phải là quân nhân, công an nhân dân.
17.Trẻ em dưới 6 tuổi.
18. Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật
19. Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
20. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;
21. Học sinh, sinh viên.
22. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp.
23. Thân nhân của những người lao động quy định tại khoản 1 điều này mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình.
24. Xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
25.Các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ: Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 2 điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 4 điều 12 sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế
- Gian lận bảo hiểm y tế là hành vi gian dối lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp không, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định để chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế.
+ Hồ sơ bệnh án khống, đơn thuốc khống là hồ sơ bệnh án, đơn thuốc không có thật. Phần lớn là những hồ sơ, đơn thuốc này được lập nên từ những thẻ bảo hiểm y tế có thật để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.
+ Thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống: hành vi cấp thẻ bảo hiểm y tế khống cho người tham gia bảo hiểm y tế để người này hưởng chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc in thẻ bảo hiểm y tế đã tự ý in thêm thẻ bảo hiểm y tế nhằm mục đích tư lợi hoặc vụ lợi.
2.Những dấu hiệu pháp lý của tội phạm
*Khách thể của tội phạm
- Khách thể của tội phạm này là các quỹ bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội. Tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý quỹ bảo hiểm y tế, xâm phạm đến các quy định của nhà nước về bảo hiểm y tế.
- Đối tượng tác động của tội gian lận bảo hiểm y tế là hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, chi phí, giường bệnh..., hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm y tế, thẻ y tế… Khách thể của tội phạm ở đây có thể bị xâm hại để chiếm đoạt số tiền của cơ quan bảo hiểm.
* Mặt khách quan của tội phạm:
Thứ nhất: Dấu hiệu hành vi khách quan
- Tội phạm thể hiện ở hành vi: gian lận bảo hiểm y tế để lừa dối cơ quan bảo hiểm hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Gian lận trong điều luật này có thể hiểu là hành vi: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
Hành vi này được thực hiện bởi cá nhân tham gia bảo hiểm hoặc có liên quan.
* Các thủ đoạn thường thực hiện:
- Những gian lận của người tham gia bảo hiểm y tế:
+ Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định/
+ Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
- Những gian lận của người liên quan: Chủ yếu là những cán bộ trong các cơ quan y tế
+ Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống. Có nghĩa là các đối tượng đã lập hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân không có thật, kê đơn thuốc không có thật để hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Dạng hành vi này thường là hành vi có tổ chức và thường gây ra hậu quả rất lớn do cùng lúc lập khống rất nhiều hồ sơ, bệnh án, đơn thuốc. Đó là các trường hợp cán bộ, bác sĩ trong cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội đã dùng thủ đoạn mượn thẻ bảo hiểm y tế, làm giấy chuyển viện khống, lập đơn thuốc khống để chiếm đoạt số lượng lớn thuốc bảo hiểm y tế hoặc chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế.
+ Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y té, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
Thứ hai: Dấu hiệu hậu quả của tội phạm
- Hậu quả của tội gian lận bảo hiểm y tế đó là gây thiệt hại về tài sản cho cơ quan bảo hiểm. Những biểu hiện cụ thể của tội phạm này dẫn đến những rối loạn trong việc chi trả bảo hiểm y tế.Cơ quan bảo hiểm phải trả những khoản tiền bảo hiểm không đúng so với thực tế.
- Hậu quả về vật chất là dấu hiệu bắt buộc đối với loại tội phạm này. Cụ thể: chiếm đoạt số tiền bảo hiểm y tế phải từ 10.000.000 đồng trở lên.
Thứ ba: Các dấu hiệu khách quan khác
Các dấu hiệu khách quan khác được quy định trong cấu thành tội phạm của tội gian lận bảo hiểm y tế có thể là:
- Phương tiện phạm tội: hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, thẻ bảo hiểm y tế, tài liệu, thông tin trong hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế.
- Phương thức, thủ đoạn phạm tội.
- Thời gian, địa điểm phạm tội: bệnh án được xác nhận của bệnh viện, cơ sơ y tế nào, thời gian yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; địa điểm yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm…
* Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ về hành vi của mình là hành vi gian dối để hưởng chế độ bảo hiểm y tế, thấy trước được hậu quả của hành vi gian dối và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Không có hành vi gian lận bảo hiểm y tế nào được thực hiện với lỗi vô ý.
Mục đích của người phạm tội là thu lợi. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách chiếm đoạt tiền bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm bằng việc lập hoặc dùng các hồ sơ giả, thẻ bảo hiểm y tế giả…
* Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Đối với tội danh này, cá nhân khi là chủ thể của tội phạm có thể là chủ thể thường mà cũng có thể là chủ thể đặc biệt.
Chủ thể thường có thể là người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hoặc tự nguyện hoặc cũng có thể là người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn có thể thực hiện các hành vi như: lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
3. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự
Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn một trong các điều kiện sau: chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng bằng một trong các hành vi: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp không, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí