Sẽ có 2 loại công ty nhà nước nếu sửa Luật doanh nghiệp

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Sẽ có hai loại… doanh nghiệp nhà nước.


Các phương án sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước sẽ tác động nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Do vậy, mọi phương án cần được tính toán kỹ càng.

Sao phải thay đổi?

Những đề xuất mới về khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối.

“Điều này là tất yếu, khi sẽ có những doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, nhất là nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - đơn vị được giao nhiệm vụ chắp bút sửa đổi Luật Doanh nghiệp), thừa nhận.

Nhưng, theo ông Hiếu, đây là việc phải làm, để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW).

“Khái niệm doanh nghiệp nhà nước của Luật Doanh nghiệp 2014 đã phản ánh và thể hiện đúng, nhưng chưa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 12-NQ/TW. Nghị quyết xác định doanh nghiệp nhà nước gồm 2 loại. Một là, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hai là, doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhưng có sở hữu đến mức chi phối doanh nghiệp đó”, ông Hiếu nói.

Như vậy, những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ không có gì thay đổi so với trước. Câu hỏi lớn cần làm rõ là thế nào là doanh nghiệp có sở hữu chi phối của Nhà nước.

Theo phân tích của ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), việc sửa đổi khái niệm sẽ làm mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, cũng như thay đổi cách quản trị của các doanh nghiệp này, nên cần phải làm rõ các tiêu chí để có phương án tối ưu.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất, bên cạnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên cũng được xác định là doanh nghiệp nhà nước.

Lo tác động tiêu cực

Việc điều chỉnh khái niệm như trên ngay lập tức sẽ làm tăng số lượng doanh nghiệp nhà nước trong thống kê.

Theo con số mới công bố trong Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến hết năm 2017 là 1.204 doanh nghiệp. Nếu tính các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 50%, thì khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.486 doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp nhà nước theo khái niệm mới sẽ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật mà trước đây không bị chi phối”, ông Hiếu nói.

Có thể nhắc tới 3 văn bản trực tiếp tác động, đó là Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Ngân sách nhà nước.

Đơn cử, Luật Đấu thầu quy định, dự án phát triển của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Với khái niệm mới, toàn bộ các dự án mà các doanh nghiệp này triển khai sẽ phải tuân thủ Luật Đấu thầu.

Đây chính là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Ông Cao Đạt Khoa, Trưởng ban Quản lý đầu tư vốn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho rằng, nếu không làm rõ, quản trị, công tác điều hành doanh nghiệp nhà nước sẽ kém đi.

Ông Phan Vũ Anh, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc đặt thêm vấn đề về quyền lợi của các cổ đông trong các doanh nghiệp có trên 51% vốn nhà nước nếu bị chịu chung quy định về quản lý như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Làm rõ cách quản lý

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hiếu khẳng định, sẽ không có việc quản lý, giám sát doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối giống như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Việc quản lý, giám sát doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối sẽ không giống như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Mỗi loại sẽ có phương thức phù hợp.

“Nghị quyết 12-NQ/TW chỉ rõ mục tiêu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, nâng cao minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình. Nên không thể hiểu là cứ mở rộng khái niệm tới các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối là sẽ áp dụng cùng một phương thức và cách thức giám sát như với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100%. Mỗi loại cần phương thức quản lý, giám sát phù hợp”, ông Hiếu nói.

Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phân thành 2 loại khác nhau để áp dụng cách tổ chức quản trị riêng. Cụ thể, với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì Nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ tại doanh nghiệp với tư cách chủ sở hữu. Với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên thì áp dụng quản trị theo công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần, trong đó Nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ tại doanh nghiệp với tư cách là thành viên công ty hoặc cổ đông.

Trong dự thảo mới, sẽ sửa đổi quy định đối với công ty TNHH, cổ phần mà Nhà nước nắm trên 51% theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

“Các quy định mới tập trung chống xung đột lợi ích, tập trung quyền lực, vị trí vào một cá nhân cũng như kiểm soát giao dịch giữa doanh nghiệp với bên có liên quan, tránh tình trạng doanh nghiệp người quen, sân sau”, ông Hiếu giải thích rõ.

Đặc biệt, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy địn h có liên quan, nhất là các văn bản cho đối tượng là doanh nghiệp nhà nước cũng đang được lên kế hoạch.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)