Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Những lưu ý trong xử phạt vi phạm hành chính.
1. Không phạt tiền người dưới 16 tuổi vi phạm hành chính
Đối với hình phạt là phạt tiền, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chỉ phải nộp mức phạt bằng 1/2 so với người thành niên.
Người chưa thành niên được ưu tiên áp dụng biện pháp thay thế biện pháp xử lý vi phạm hành chính như là chỉ bị cảnh cáo hoặc chỉ áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình nếu như người đó tự nguyện khai báo, thành thật và hối lỗi về hành vi vi phạm của mình và có môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp thay thế đó.
2. Mức phạt vi phạm hành chính tối đa 2 tỷ đồng
Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nâng mức phạt tiền tối thiểu từ 10 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng; nâng mức phạt tiền tối đa từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Luật này.
Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với cá nhân là:
- Phạt tiền đến 30 triệu đồng: Hôn nhân và gia đình; Bạo lực gia đình; Vệ sinh môi trường;
- Phạt tiền đến 50 triệu đồng: Phòng cháy, chữa cháy; Phòng chống HIV/AIDS; Đăng ký kinh doanh;
- Phạt tiền đến 200 triệu đồng: Sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;
- Phạt tiền đến 1 tỷ đồng: Tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; Bảo vệ môi trường…
3. Công an đang làm nhiệm vụ được phạt đến 500.000 đồng
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã tăng thẩm quyền xử phạt cho cấp cơ sở, nhất là các chức danh trực tiếp phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị xử phạt nhanh chóng thi hành quyết định xử phạt, giảm tình trạng dồn việc xử phạt lên cấp trên. Theo đó:
- Chiến sĩ Công an nhân dân, công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền không quá 500.000 đồng.
- Thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 1 triệu đồng;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này…
4. Những trường hợp xử phạt không cần lập biên bản
Xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản được áp dụng trong trường hợp:
- Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức;
- Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Quyết định ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm; hành vi, địa điểm xảy ra vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
5. Mang thai là tình tiết giảm nhẹ trong xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai được coi là tính tiết giảm nhẹ. Bên cạnh đó, một số tình tiết sau đây cũng là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Luật:
- Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
- Người vi phạm hành chính là người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
- Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…
6. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 48 giờ
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ 01 bản.
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm được quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:
- Trường hợp thông thường: Không quá 12 giờ;
- Trường hợp cần thiết: Không quá 24 giờ.
- Trường hợp người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo: Không quá 48 giờ.
- Trường hợp người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển: Phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
Nếu người bị tạm giữ yêu cầu, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết.
Pháp luật nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.
7. Nộp tiền phạt vi phạm hành chính ở đâu?
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước;
- Nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt;
- Nộp cho người có thẩm quyền xử phạt thu trực tiếp: Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn; trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.
8. Có thể nộp tiền phạt thành nhiều lần không?
Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính nhiều lần bằng văn bản. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200 triệu đồng trở lên đối với tổ chức;
- Có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xác nhận.
Tuy nhiên, theo Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
9. Nghiêm cấm giữ lại vụ có dấu hiệu tội phạm để xử lý hành chính
Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cụ thể những hành vi pháp luật nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức vi phạm, đó là:
- Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản của người vi phạm; hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt;
- Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí