Hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức theo Bộ luật dân sự năm 2015. Công ty Luật Hoàng Sa

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức.


Nguyên tắc tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng dẫn tới một hệ quả là hợp đồng có thể được giao kết dưới bất kỳ hình thức nào theo sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, nhằm mục đích bảo đảm an toàn pháp lý cho một số giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị, hoặc để bảo vệ cho một đối tượng chủ thể nào đó, trong một số trường hợp, luật pháp quy định những hình thức, thủ tục bắt buộc các bên phải tuân thủ. Song, cũng xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí, pháp luật các nước thường không quy định hình thức hợp đồng như là một trong các điều kiện chủ yếu của hiệu lực hợp đồng. Vì vậy, một hợp đồng chỉ vô hiệu về hình thức nếu điều luật quy định hình thức hợp đồng đó chỉ rõ chế tài này. 

Lấy ví dụ, Điều 931 BLDS Pháp quy định: “mọi chứng thư tặng cho phải được lập trước công chứng viên theo hình thức thông thường của hợp đồng và được công chứng viên lưu bản chính. Nếu không tuân thủ các quy định này, chứng thư tặng cho sẽ vô hiệu”.

Khác với luật pháp các nước, trước đây, BLDS 1995 quan niệm hình thức là một trong các điều kiện thiết yếu của hiệu lực hợp đồng (Điều 131, khoản 4) và hậu quả là trên thực tế, có rất nhiều giao dịch bị tuyên vô hiệu vì lý do hình thức. Nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà làm luật đã đưa vào BLDS những quy định hoàn toàn mới về hình thức hợp đồng thể hiện cách tiếp cận của BLDS Pháp. Thực vậy, khoản 2 Điều 122 BLDS quy định: “hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”. Phải hiểu tinh thần điều luật này như thế nào? Cần đọc điều luật này trong mối liên hệ với các Điều 124, 134, 401 BLDS, theo đó, trong số các hình thức hợp đồng mà pháp luật bắt buộc phải tuân thủ, chỉ những hình thức nào pháp luật quy định rõ đó là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì việc không tuân thủ hình thức này mới làm cho hợp đồng vô hiệu. Chẳng hạn, căn cứ vào Điều 146 khoản 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 thì thủ tục đăng ký là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; căn cứ vào Điều 19 khoản 2 Luật Chuyển giao công nghệ, thủ tục cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao…  Vậy, những trường hợp hợp đồng vi phạm hình thức nhưng hình thức đó không phải là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì hậu quả pháp lý là gì? Án lệ và học thuyết các nước theo truyền thống dân luật (civil law) phân biệt ba loại hình thức hợp đồng sau:

  • Hình thức chỉ có ý nghĩa là chứng cứ chứng minh sự tồn tại của hợp đồng, ví dụ như văn bản;
  • Hình thức chỉ có ý nghĩa thông báo cho bên thứ ba (hiệu lực đối với bên thứ ba còn gọi là opposabilito), ví dụ, các giao dịch liên quan đến bất động sản ở Pháp đều phải công chứng, nếu không công chứng hợp đồng vẫn có hiệu lực giữa các bên nhưng được coi là không có hiệu lực đối với các bên thứ ba. Ý nghĩa cụ thể của việc công chứng như sau: Giả sử A bán nhà cho B, hợp đồng được công chứng, sau đó A lại bán tiếp nhà cho C trong khi C không hề biết A đã bán nhà cho B, B vẫn được sở hữu nhà vì hợp đồng này, C chỉ có thể kiện A yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngược lại, nếu giao dịch giữa A và B không được công chứng  trong khi giao dịch giữa A và C lại được công chứng thì C được bảo vệ quyền sở hữu và B chỉ có thể kiện A đòi bồi thường thiệt hại;
  • Hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (văn bản, công chứng hoặc xin phép). Như đã nói ở trên, chỉ khi nào pháp luật nói rõ hình thức này là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì việc không tuân thủ mới làm cho hợp đồng vô hiệu.

Thiết nghĩ, để việc áp dụng luật được dễ dàng và thống nhất, Việt Nam nên xây dựng học thuyết về hình thức hợp đồng và pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể nhằm xác định rõ loại hình thức bắt buộc nào chỉ có ý nghĩa chứng cứ, loại hình thức bắt buộc nào có ý nghĩa thông báo cho bên thứ ba, loại hình thức bắt buộc nào là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

Bản chất pháp lý của hợp đồng vô hiệu vì lý do hình thức.

Điều 134 BLDS quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Như vậy, xét về bản chất, vô hiệu về hình thức có thể được hiểu là một hình thức vô hiệu “treo”, mang một nữa tính chất của vô hiệu tương đối, một nửa tính chất của vô hiệu tuyệt đối. Tại sao? Đó là hình thức vô hiệu “treo” vì pháp luật dành cho các bên một khoản thời gian để khắc phục khiếm khuyết về hình thức đó. Đó là hình thức vô hiệu nửa tương đối vì chủ thể của quyền được yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu là một hoặc cả hai bên trong quan hệ hợp đồng. Cuối cùng, đó cũng là hình thức vô hiệu nửa tuyệt đối, vì nếu sau thời hạn buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch mà các bên không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Xét về bản chất của vô hiệu vì lý do hình thức có thể thấy tinh thần điều luật trên không khác xa Điều 139 BLDS 1995, tuy nhiên từ trước đến nay, thực tiễn xét xử đã có nhiều hướng không nhất quán nhau. Nhiều trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu hình thức mà không tính đến khả năng dành cho các bên một thời gian để các bên hoàn thành thủ tục về hình thức. Có một vài bản án đã tuyên quyết định buộc các bên phải thực hiện hình thức hợp đồng nhưng lại thiếu cơ chế cưỡng chế như thế nào. Năm 2003, TANDTC đã có hướng dẫn cụ thể vấn đề hợp đồng vô hiệu về hình thức, theo đó, theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án ra quyết định buộc một hoặc các bên phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định để hoàn thiện hình thức hợp đồng. Quá thời hạn một tháng mà họ không hoàn thiện các thủ tục hình thức thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Nhưng ngay cả trong trường hợp việc hoàn tất thủ tục hình thức là có thể thực hiện được nhưng một trong các bên không muốn thực hiện (vì thấy giá tài sản, chẳng hạn, giá nhà đất tăng cao, bán sẽ thiệt lớn) thì hợp đồng vẫn vô hiệu. Tại sao Tòa án không áp dụng biện pháp cưỡng chế hoàn tất thủ tục chính thức? Đó là bởi hiện nay, nhà làm luật Việt Nam chưa chấp nhận thuyết hợp đồng tiền hợp đồng (avant-contrat). Ví dụ, một thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được chứng thực, đăng ký nhưng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của hợp đồng (về năng lực hành vi, nội dung, sự ưng thuận) được xem là một hợp đồng tiền hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu chấp nhận thuyết hợp đồng tiền hợp đồng thì mới có cơ chế rõ ràng để xử lý người bội ước. Hợp đồng tiền hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở chỗ nó chưa làm phát sinh nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất (vì đây là nghĩa vụ của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất) nhưng làm phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện một việc: hoàn tất thủ tục hình thức để chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, nếu một trong các bên không chịu thực hiện thủ tục hình thức thì lẽ ra quyết định trên của Tòa án đã có thể là cơ sở để bên ngay tình hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Chúng tôi khuyến nghị áp dụng thuyết hợp đồng tiền hợp đồng bởi lẽ, xét về mặt lôgic, thỏa thuận vi phạm về hình thức vẫn là một thỏa thuận – được coi là bản chất, căn bản của hợp đồng. Hơn nữa, đề nghị giao kết hợp đồng, mới chỉ thể hiện ý chí của một bên cũng đã bị ràng buộc pháp lý (Điều 396 BLDS), thì tại sao khi đề nghị này đã nhận được chấp nhận từ phía bên kia lại không chịu sự ràng buộc nào? Cuối cùng, xét về phương diện xã hội, quy định này sẽ có ý nghĩa xã hội lớn vì bảo vệ được bên giao kết hợp ngay tình, góp phần làm ổn định các giao dịch dân sự.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)