Tội cướp tài sản và những vấn đề pháp lý. Tội cướp tài sản được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự 1999 và thay thế tại điều 168 Bộ luật hình sự 2015

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

TỘI CƯỚP TÀI SẢN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ.


Tội cướp tài sản được quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự 1999 và thay thế tại điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cướp tài sản của công dân và nhẹ hơn tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Bộ luật hình sự năm 1985.

Theo điều 168, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội cướp tài sản như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, đối với tội cướp tài sản thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 


BÌNH LUẬN:

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM.

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Người phạm tội cướp tài sản phải là người đủ từ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Bởi vì, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm.

Đối với tội cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản ( dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản ), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm sở hữu” mà nên xếp vào Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Cách lý giải này có nhiều nhân tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải được vì sao tội tham ô nhà làm luật lại xếp vào Mục A “các tội phạm về tham nhũng” trong Chương “các tội phạm về chức vụ”, mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản ? Trong khi đó, xét về góc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Nhưng cũng có nưới xếp vào Chương “các tội xâm phạm sở hữu” như nước ta. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương này hay Chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội cướp tài sản.

Do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự.

3. Các dấu hiệu thuộc mặt  khách quan của tội phạm.

a. hành vi dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: Đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém... Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể ( không có tỷ lệ thương tật). Ví dụ: Lê Xuân H dùng tay bóp cổ bà M để chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng và một đôi hoa tai của bà M trong lúc bà M đang nằm ngủ. Tuy bà M bị H bóp cổ nhưng không để lại thương tích, cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ và  không có tỷ lệ thương tật, nhưng hành vi của H vẫn được coi là hành vi dùng vũ lực.

b. Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.

Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức.

Đe doạ dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe doạ, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe doạ người bị hại, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực. Ví dụ: Nguyễn Văn L gặp chị Trần Thị H trên một đoạn đường vắng, L lao ra chặn chị H lại, H liền túm cổ áo chị H, đồng thời rút dao trong người ra dí vào cổ chị H buộc chị H phải cởi dây chuyền, hoa tai đưa cho L. Hành vi của L phải coi là hành vi dùng vũ lực chứ không phải là hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.

Việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực không khó bằng việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu rất quan trong để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu đe doạ dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không, trong trường hợp người bị hại không giao tài sản lại là một vấn đề phức tạp. Thông thường người phạm tội không bao giờ nhận là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để người phạm tội lấy tài sản. Vì vậy để xác định trường hợp người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay không, ngoài lời khai của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào các tình tiết khác của vụ án như: Không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc; vào công cụ, phương tiện phạm tội người phạm tội sử dụng... Ví dụ: Trong đêm tối, trên một đoạn đường vắng, một người dùng dao dí vào cổ người khác, yêu cầu người này phải giao tài sản cho mình, nếu không sẽ giết. Ngay lúc đó có tổ tuần tra phát hiện nên bắt được người phạm tội. Trong trường hợp dù người phạm tội có khai rằng, chỉ có ý định doạ chứ không có ý định dùng vũ lực với người bị hại thì cũng không có căn cứ để tin lời khai của người phạm tội là đúng, mà trường hợp này phải xác định người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.

c. Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được , là hành vi không phải là dùng vũ lực, cũng không phải là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Để xác định hành vi này, trước hết phải xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị trấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được. Ví dụ: A bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để B uống, sau khi  uống nước, B đã ngủ say không biết gì, do đó A mới chiếm đoạt được tài sản của B. Thực tiễn xét xử, không chỉ xảy ra trường hợp người phạm tội cho người bị hại uống thuốc ngủ mà nhiều trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn nguy hiểm như xịt Ê te, cho người bị hại uống thuốc mê, thậm chí cả thuốc độc làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, người phạm tội tìm cách chuốc rượu cho người bị hại uống thật say để chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xác dịnh hành vi này là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

d. Hậu quả của tội phạm.

Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

Do khách thể của tội cướp là hai quan hệ xã hội ( quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân) nên tội cướp tài sản được gọi là tội gép và do đó hậu quả của tội cướp tài sản có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A dùng dao đâm bị thương B để  cướp chiệc xe máy của B, trong trường hợp này, hậu quả do A gây ra cho B vừa là tài sản ( chiếc xe máy) vừa là sức khoẻ ( B bị thương tích ). Cũng có trường hợp thiệt hại gây ra vừa là tài sản vừa là danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A có ý định chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng của chị H, A đã nấp trong bụi cây chờ chị H đi qua, A lao ra ôm vật chị H và giật chiệc dây chuyền vàng trên cổ của chị H, trong lúc vật lộn, A đã xé rách áo ngoài, áo trong (Xu chiêng) của chị H, làm chị H phải ở trần chạy về trước sự chứng kiến của nhiều người.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản, nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người. Tuy nhiên, nếu sau khi đã cướp tài sản bị đuổi bắt mà người phạm tội giết người để tẩu thoát thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khoẻ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về nhân phẩm danh dự mà hành vi xâm phạm của người phạm tội không có liên quan gì đến mục đích chiếm doạt thì ngoài tội cướp tài sản, người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ướng với với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc đón đường nếu ai đi xe máy qua sẽ cướp xe. Khi thấy chị L đi xe máy qua, chúng chặn xe rút dao găm ra đe doạ buộc chị L phải giao xe cho chúng. Sau khi cướp được xe, B và C lấy xe chở nhau bỏ chạy, còn A ở lại dùng dao khống chế chị L để B và C chạy thoát. Trong khi khống chế chị L, A nảy ý định giao cấu với chị L nên A buộc chị L phải cho A giao cấu nếu không A sẽ giết. Do quá sợ hãi nên chị L buộc phải để cho A giao cấu.

4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng, riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những trường hợp khi tấn công người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản mà vì động cơ mục đích khác như để trả thù, nhưng sau khi đã thực hiện hành vi tấn công, người bị tấn công bỏ chạy để lại tài sản, người có hành vi tấn công lấy tài sản đó đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cướp tài sản trong trường hợp này rõ ràng là không chính xác.

Trường hợp, người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực vừa nhằm mục đích trả thù vừa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, nếu hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng người bị hại thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội giết người.

 


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)