Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (điều 342)
Theo điều 342, Bộ Luật hình sự 2017 quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
c) Để thực hiện hành vi trái pháp luật;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức thì mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.
Bình luận
1. Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, được hiểu là hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác bằng bất kỳ phương thức, thủ đoạn nào.
2. Các yếu tố cấu thành tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
* Khách thể
- Trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong việc đảm bảo sự an toàn, nguyên vẹn của con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức.
- Đối tượng tác động là con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức bị chiếm đoạt, mua bán. Tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức bị chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy phải là các tài liệu có nội dung mà người phạm tội quan tâm.
Điều luật được Bình luận mở rộng đối tượng tác động so với Bộ luật hình sự năm 1999, không chỉ con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức xã hội. Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào đều có nhu cầu được bảo vệ sự an toàn về con dấu, tài liệu, giấy tờ của mình.
* Mặt khách quan
- Tội phạm được thực hiện dựa trên 3 hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan:
+ Chiếm đoạt con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để lấy các tài liệu, giấy tờ đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hành trực tiếp quản lý con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác để lấy con dấu, tài liệu, giấy đó.
Hành vi chiếm đoạt hoàn toàn giống với hành vi chiếm đoạt tài sản, nên có thể nói chiếm đoạt con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, công nhiên chiếm đoạt; trộm cắp, lừa đảo, lạm tín nhiệm, tham ô con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức.
+ Mua bán con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi với người có trách nhiệm quản lý con dấu, tài liệuhoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức để có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.
+ Tiêu hủy con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là làm cho con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức không còn giá trị sử dụng được nữa. Hành vi tiêu hủy được thể hiện bằng nhiều cách như: đốt cháy, xé nát, nghiền nát, dùng các hoá chất để hủy hoại,…
Hành vi tiêu hủy con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức cũng tương tự với hành vi cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Ngoài ra, dấu hiệu khách quan bắt buộc của cấu thành tội phạm này, đó là: tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức xã hội, nhưng không phải là tài liệu hoặc giấy tờ có nội dung bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự.
* Mặt chủ quan
- Lỗi cố ý;
- Bởi bản chất hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã chứa đựng sự cố ý của người thực hiện hành vi.
Động cơ, mục đích của người phạm tội cũng là một dấu hiệu quan trọng để phân biệt với trường hợp chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức nhằm cung cấp cho nước ngoài để chống lại Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự về tội gián điệp.
* Chủ thể
Người có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra cũng có trường hợp người phạm tội này là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hành để chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
3. Về hình phạt
- Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm :
+ Có tổ chức;
+ Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
+ Thực hiện hành vi trái pháp luật;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí