Công ty Luật Hoàng Sa hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm

Công ty Luật Hoàng Sa hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm như sau:


1. Khởi kiện (Điều 186 – Điều 194)

Nhằm bảo đảm mọi người đều tiếp cận công lý một các thuận lợi; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Bộ luật tố tụng đã sửa đổi bổ sung, quy định về thủ tục gửi, nhận và giải quyết đơn khởi kiện, trong đó có những nội dung đáng chú ý như sau:

a)  Về gửi đơn khởi kiện:

Ngoài thủ tục gửi đơn khởi kiện bằng phương thức  nộp trực tiếp tại Tòa án,  gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, người khởi kiện còn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng phương thức gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Đây là điểm mới nhằm tiến tới hiện đại hóa hoạt động của Tòa án và tạo mọi thuận lợi cho người khởi kiện. Tuy nhiên đây là vấn đề mới từ trước đến nay chưa thực hiện cho nên để bảo đảm lộ trình thực hiện thích hợp, Bộ luật giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành về thủ tục gửi đơn qua Cổng thông tin điện tử .

b) Về nhận đơn khởi kiện:

- Khi nhận đơn khởi kiện phải:

+ Ghi vào sổ nhận đơn;

+ Đối với đơn trực tiếp nộp thì Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Xử lý đơn khởi kiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.  Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện.

a)  Trả đơn khởi kiện

Bộ luật tố tụng quy định rõ những trường hợp trả đơn khởi kiện, như quy định: Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”. Đặc biệt nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về địa chỉ của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Bộ luật đã quy định “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện;”

d) Về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện

Ngoài những quy định như Điều 170 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi năm 2011. Bộ luật tố tụng dân sự đã bổ sung:  Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp... có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.”

Việc bổ sung quy định này là nhằm để giải quyết trong những trường hợp 2 cấp Tòa đều giải quyết việc khiếu nại quyết trả lại đơn khởi kiện không đúng.

2. Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 208 đến Điều 211)

Việc quy định phiên hợp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là vừa bảo đảm thực hiện một trong những yêu cầu quan trong của nguyên tắc “tranh tụng” là mọi tài liệu chứng cứ phải được công khai và bảo đảm nguyên tắc Hòa giải trong tố tụng dân sự”Tuy nhiên nhằm tránh phát sinh thêm những thủ tục không cần thiết cho nên Bộ luật tố tụng dân sự kết hợp 2 nội dung kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào cùng một phiên họp. Trình tự phiên họp này có 2 phần: phần thứ nhất là kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; phần thứ hai là tiến hành hòa giải.

Riêng về việc chuẩn bị hòa giải đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.

Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của  con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.

3. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 214 – Điều 216)

 a) Để phù hợp với Luật tổ chức Tòa án và Luật phá sản, Bộ luật tố tụng dân sự đã bổ sung 2 căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án là: khi cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ và theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản.

b) Để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án, Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định: Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.

c) Để có căn cứ pháp lý rõ ràng và kịp thời tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn Bộ luật tố tụng dân sự quy định Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật (Điều 221)

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Chánh án Tòa án có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đề nghị có căn cứ thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải ra văn bản kiến nghị gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan nhận được kiến nghị của Tòa án có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 1 tháng; nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án. Quy định này nhằm bảo đảm cho Toà án giải quyết vụ án đúng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.

5. Phiên Tòa sơ thẩm (Điều 222 - Điều 269 )

Nhằm thể hiện đầy đủ tính chất tranh tụng nói chung, nhất là việc tranh tụng tại phiên tòa. Bộ luật tố tụng đã bổ sung nhiều nội nội dung về thủ tục, trình tự phiên tòa sơ thẩm, trong đó có những điểm đáng chú ý như sau:

a) Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền trình bày ý kiến, tranh luận, cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ, hỏi và đối đáp với các đương sự và người tham gia tố tung khác.

Việc tiến hành hỏi tại phiên tòa theo thứ tự:

-  Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước;

- Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Những người tham gia tố tụng khác;

- Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

b) Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử là người điều hành phiên Tòa nhằm bảo đảm phiên tòa được tiến hành đúng theo quy định của của pháp luật, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.  Hội đồng xét xử chỉ hỏi về các vấn đề tố tụng có liên quan đến việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, hỏi về chứng cứ để đánh giá làm rõ nội dung vụ án khi cần thiết, bảo đảm mọi chứng cứ có liên quan phải được xem xét, kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa.

c) Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh luận. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

d)  Việc tạm ngừng phiên tòa

Do nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm việc tranh tụng, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa trong các trường hợp:

- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;

- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;

- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;

- Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;

- Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;

- Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)