Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, nhiều vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét vấn đề dân sự. Nhiều vụ án hình sự có liên quan đến vấn đề dân sự, giữa bị can, bị cáo với bị hại, đại diện bị hại…đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề dân sự và Tòa án đã “ghi nhận” hoặc “công nhận” sự thỏa thuận của họ trong bản án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ bàn tới việc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vấn đề dân sự đã được các bên đương sự thỏa thuận với nhau và được Tòa án “Ghi nhận” hay “Công nhận” sự thỏa thuận của các đương sự và hiệu lực của việc “Ghi nhận” hay “Công nhận” sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án hình sự.
Cũng là giải quyết vấn đề dân sự, nhưng việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có những điểm giống và khác nhau với việc giải quyết tranh chấp dân sự theo tố tụng dân sự.
Sự khác nhau là:
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được áp dụng theo thủ tục tổ tụng hình sự.
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có thủ tục hòa giải.
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Còn giải quyết tranh chấp dân sự thì nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về các bên đương sự.
Sự giống nhau là:
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải tuân theo nguyên tắc trong tố tụng dân sự: Quyền tự quyết định và tự định đoạt của các đương sự.
- Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng phải áp dụng các qui định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự, mặc dù việc hòa giải không phải là nguyên tắc trong tố tụng hình sự, tuy nhiên, quá trình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng hướng tới việc để cho các bên (bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ thỏa thuận với bị hại, đại diện người bị hại hoăc nguyên đơn dân sự) – (sau đây gọi là các bên đương sự). Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án có gắn với việc giải quyết vấn đề dân sự, nhiều vụ án các bên đương sự đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về vấn đề dân sự (trách nhiệm bồi hoàn, bồi thường….để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra); có trường hợp bồi thường, bồi hoàn xong và không yêu cầu bồi thường, bồi hoàn nữa; hoặc bồi thường, bồi hoàn một phần hoặc chưa bồi thường, bồi hoàn nhưng có sự thỏa thuận sẽ tiếp tục bồi thường, bồi hoàn. Trong các trường hợp đó, phán quyết trong bản án của Tòa án sẽ nhận định “Vấn đề vấn đề dân sự không đề cập đến vì bị hại (hoặc đại diện bị hại) không yêu cầu giải quyết” hoặc “Ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo với bị hại….” hoặc “Công nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo với bị hại…”.
Theo từ điển Tiếng Việt:
- “Công nhận” là: “Nhận trước mọi người là hợp với sự thật, với lẽ phải hoặc hợp với tiền lệ, luật pháp”.
- “Ghi nhận” là: “Thừa nhận, công nhận và ghi lại để làm bằng”.
Về mặt pháp lý, trong tố tụng dân sự, khi các bên đương sự thỏa thuận hoặc ghi nhận với nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ dân sự đều là sự thỏa thuận của các bên đương sự. Nhưng giữa Công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự là việc Tòa án tiến hành hòa giải và các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp dân sự; còn Ghi nhận sự thảo thuận là việc Tòa án ghi nhận lại việc các bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về tranh chấp dân sự và đề nghị Tòa án ghi nhận lại và khác nhau ở chỗ, nếu các bên thỏa thuận được với nhau trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải (tức là có sự tác động của Tòa án) thì các bên phải chịu án phí; còn khi các bên ghi nhận với nhau về sự thỏa thuận (không có sự tác động của Tòa án) và Tòa án ghi nhận sự lại thỏa thuận của các bên đương sự thì các bên đương sự không phải chịu án phí.
Do sự giống nhau giữa Công nhận hay Ghi nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự đều là sự thỏa thuận của các bên đương sự, nên hết thời hạn 07 ngày, nếu các bên không thay đổi sự thỏa thuận thì Tòa án đều ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và Quyết định có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm (nhưng khác nhau ở phần quyết định về án phí - liên quan đến giá trị tài sản tranh chấp như nêu trên).
Vấn đề vướng mắc đặt ra ở đây là ở chỗ, do có sự khác nhau khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và giải quyết tranh chấp dân sự, dẫn đến việc:
Cùng là quan hệ dân sự có tranh chấp nếu giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự thì nếu các bên thỏa thuận được với nhau thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; nếu là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thì được giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự, theo đó, không có trình tự hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về vấn đề trách nhiệm hình sự và không có việc Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong bản án hình sự, mà trong bản án, Tòa án chỉ xác định công nhận hay ghi nhận sự thỏa thuận của các bên như nêu trên.
Chính vì lẽ đó, việc “ghi nhận” hay “công nhận” sự thỏa thuận của các đương sự về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu lực của việc “ghi nhận” hay “Công nhận” sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án hình sự.
Tác giả xin đưa ra hai ví dụ về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau:
Ví dụ thứ nhất: A làm hư hỏng 01 chiếc gương xe và 01 kính chắn gió phía trước xe ô tô của B, kết luận đinh giá tài sản xác định giá trị của 01 gương xe là 5.000.000đ, 01 kính chắn gió phía trước xe ô tô trị giá 5.000.000đ. Tổng giá trị thiệt hại là 10.000.000đ. Cơ quan tiến hành tố tụng huyện X đã khởi tố, điều tra A về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. Tại phiên tòa, B đồng ý với kết luận định giá tổng giá trị tài sản là 10.000.000đ và yêu cầu B phải bồi thường thêm số tiền công sửa chữa là 10.000.000đ, tổng số B đề nghị A phải bồi thường 20.000.000đ. Sau đó A và B thỏa thuận với nhau về việc giải quyết phần bồi thường thiệt hại, theo đó A thỏa thuận bồi thường cho B số tiền 15.000.000đ và B đồng ý. Bản án HSST đã quyết định về tội danh, hình phạt đối với A và ghi nhận sự thỏa thuận trên giữa A và B.
Ví dụ thứ hai: A điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, do không đi đúng phần đường của mình nên gây tai nạn với anh B. Hậu quả anh B bị chết, Cơ quan tố tụng đã khởi tố điều tra, xét xử A về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Quá trình điều tra A đã bồi thường cho gia đình anh B số tiền là 50.000.000đ. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo A và bà X là đại diện hợp pháp của anh B thỏa thuận với nhau ngoài số tiền 50.000.000đ đã bồi thường trước đó A sẽ tiếp tục bồi thường cho gia đình anh B số tiền 100.000.000đ nữa, thời gian bồi thường trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người đại diện cho người bị hại đồng ý với thỏa thuận trên. Tại phần quyết định Bản án sơ thẩm đã áp dụng tội danh, quyết định hình phạt đối với A và tuyên: “Công nhận sự thỏa thuận bồi thường số tiền 150.000.000đ của bị cáo và đại diện người bị hại, xác nhận bị cáo đã bồi thường 50.000.000đ, buộc Bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường 100.000.000đ cho gia đình người bị hại. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm bị cáo phải bồi thường đủ số tiền trên cho bà X là người đại diện của bị hại.
Sau khi xét xử, những người có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án không kháng cáo, kháng nghị, Bản án có hiệu lực pháp luật, căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên để thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự.
Vấn đề đặt ra là, sau khi xét xử sơ thẩm, người có quyền kháng cáo, kháng cáo phần vấn đề dân sự trong vụ án. Như, trong ví dụ thứ nhất, A kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại, A cho rằng mình chỉ phải bồi thường cho B tổng số tiền là 10.000.000đ theo kết luận định giá, đối với số tiền 5.000.000đ tiền công sửa chữa xe nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nên A không phải trả số tiền này. Hoặc như ví dụ thứ hai, sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn kháng cáo, đại diện cho người bị hại là bà X kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường với lý do gia đình bà đã chi phí cho việc cấp cứu, điều trị và mai táng anh B nhiều hơn 150.000.000đ. Vậy, trong trường hợp như vậy, cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết nội dung kháng cáo như thế nào?
Từ hai vụ án trên có nhiều quan điểm khác nhau về căn cứ pháp luật để áp dụng và cách ghi trong bản án như thế nào “Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự” hay “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” và cách giải quyết của cấp phúc thẩm khi có kháng cáo (vấn đề thỏa thuận của các bên đương sự là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội).
1. Ý kiến thứ nhất: Tuy trong Bản án án sơ thẩm đã ghi nhận sự thỏa thuận hay công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nhưng tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, nếu người kháng cáo cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung kháng cáo thì Tòa án chấp nhận kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm; nếu người kháng cáo không chứng minh được nội dung kháng cáo thì Tòa án bác kháng cáo. Có nghĩa là, tuy trong quá trình giải quyết vụ án, mặc dù các bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về vấn đề dân sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm “Ghi nhận” hoặc “Công nhận” sự thỏa thuận của các bên thì người có quyền kháng cáo vẫn có quyền kháng cáo phần vấn đề dân sự đã thỏa thuận. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Viện kiểm sát cũng có quyền kháng nghị liên quan đến vấn đề dân sự mà các bên đã thỏa thuận.
Những người theo quan điểm này cho rằng: Vì đây là vụ án hình sự, được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự và Tòa án không ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự , nên thực hiện theo tố tụng hình sự, kháng cáo trong thời hạn luật định, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực nên Tòa án cấp phúc thẩm phải thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
2. Ý kiến thứ hai: Bản án sơ thẩm đã xác định “ghi nhận sự thỏa thuận” hay “công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, nên mặc dù Tòa án không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự riêng biệt, nhưng việc thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội đã được Tòa án “ghi nhận” hay “công nhận” trong bản án được coi là Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và có hiêu lực thi hành ngay và không được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Những người theo quan điểm này cho rằng: Mặc dù, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự, song việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự, có nghĩa là phải bảo đảm nguyên tắc tự “Quyền tự quyết định và quyền tự định đoạt”. Như vậy, nếu trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có vấn đề dân sự mà các bên đương sự đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề dân sự và đã được Bản án sơ thẩm xác nhận (Ghi nhận hoặc Công nhận) thì những người có quyền kháng cáo, cũng như kháng nghị bản án cũng không có quyền kháng cáo hoặc kháng nghị liên quan đến vấn đề dân sự mà các bên đã tự nguyện thỏa thuận. Thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự, Viện kiểm sát tôn trọng quyền tự thỏa thuận và tự quyết định của các bên đương sự nên sau khi Tòa án xét xử, Viện kiểm sát không kháng nghị về nội dung này.
Mặt khác, Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự về Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự qui định “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Theo qui định này, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, trường hợp vấn đề dân sự chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy, trong trường hợp vấn đề dân sự được tách ra giải quyết bằng vụ án dân sự, thì nếu các bên tự thỏa thuận hoặc tòa án hòa giải và các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau về vụ án thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, và có nghĩa họ không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Như vậy, nếu vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với việc giải quyết trách nhiệm hình sự mà các bên thỏa thuận được với nhau về vấn đề dân sự thì cũng có thể coi như là sự thỏa thuận khi vấn đề dân sự được tách ra giải quyết riêng bằng vụ án dân sự, theo thủ tục tố tụng dân sự. Tức là, nếu các bên đương sự đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề dân sự trong cùng với việc giải quyết vụ án hình sự mà được tòa án công nhận hoặc ghi nhận trong bản án thì có hiệu lực và không được kháng cáo hay kháng nghị về nội dung tự nguyện thỏa thuận này của các bên đương sự.
Bên cạnh đó, nếu các bên đương sự đã thoản thuận được với nhau về vấn đề dân sự, thì bản án của Tòa án không thể ghi “buộc” (như ví dụ thứ hai nêu trên) phải thi hành phần trách nhiệm dân sự chưa thi hành mà đã được các bên thỏa thuận với nhau. Theo từ điển Tiếng Việt, “Buộc” là “Làm cho hoặc bị lâm vào thế nhất thiết phải làm điều gì đó trái ý muốn, vì không có cách nào khác”, như vậy, nếu trong bản án tuyên “buộc” có nghĩa là Tòa án đã can thiệp vào quyền tự quyết định, tự định đoạt của các bên đương sự, tức là không tôn trọng nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”.
3. Ý kiến khác cho rằng:
- Nếu theo ý kiến thứ nhất, việc thỏa thuận của các bên đương sự, được công nhận hoặc ghi nhận mà vẫn có thể kháng cáo hoặc kháng nghị thì khi có kháng cáo, hoặc kháng nghị Tòa án cấp phúc thẩm phải thụ lý để giải quyết. Vấn đề đặt ra ở đây là:
Nếu có kháng cáo của một bên (trong thỏa thuận) thì đương nhiên Tòa án cho một bên đương sự có quyền thay đổi, chống lại chính sự thỏa thuận tự nguyện của chính mình trước đó, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng phải chạy theo đương sự kháng cáo, bên còn lại tôn trọng thỏa thuận của mình không kháng cáo sẽ bị bất lợi hơn.
Nếu Viện kiểm sát kháng nghị: Thì Viện kiểm sát lại không tôn trọng nguyên tắc tự quyết định và tự định đoạt của đương sự trong quan hệ dân sự.
- Nếu theo ý kiến thứ hai, mặc dù việc giải quyết vụ án (về trách nhiệm hình sự cũng như vấn đề dân sự) được giải quyết theo trình tự Bộ luật tố tụng hình sự, tuy nhiên có một phần theo tố tụng dân sự đó là dựa trên nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự, và như vậy, nếu xác định rằng việc thỏa thuận của các bên đương sự được tôn trọng, được công nhận hoặc ghi nhận trong bản án và có giá trị như “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” trong tố tụng dân sự, các bên đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị. Như vậy lại trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, quyền kháng cáo của bị cáo, người bị hại, người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự dược quy định tại các Điều 331 và Điều 336 của Bộ luật tố tụng hinh sự. Bản án HSST chưa có hiệu lực pháp luật có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị cáo, bị hại kháng cáo một phần hoặc toàn bộ bản án, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Một vấn đề nữa là, nếu vụ án có kháng nghị (không phải kháng nghị liên quan đến vấn đề dân sự) mà vụ án bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại (nhưng không liên quan đến vấn đề dân sự) thì việc thỏa thuận của các bên đương sự có tiếp tục được ghi nhận hay không; nếu theo quan điểm thứ hai cho rằng việc thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành ngay, thì khi bản án bị hủy thì không có căn cứ để thi hành trách nhiệm dân sự mà các bên đã thỏa thuận.
4. Quan điểm khác cho rằng, trong vụ án hình sự, nếu các bên đương sự đã thỏa thuận được với nhau về trách nhiệm dân sự, nếu bản án bị hủy thì trách nhiệm dân sự đó cũng vẫn có hiệu lực thi hành, tuy nhiên phải được ghi rõ vào trong bản án. Bởi lẽ, nếu trách nhiệm dân sự là việc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần…vẫn được thi hành ngay theo qui định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 Luật thi hành án dân sự mặc dù bản án đó vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị và vẫn có thể bị hủy để điều tra, xét xử lại.
Từ những quan điểm khác nhau như nêu trên, xuất phát từ thực tiễn khó khăn, vướng mắc giải quyết các vụ án hình sự theo trình tự phúc thẩm trong đó có vấn đề dân sự được giải quyết cùng trong vụ án hình sự, để bảo đảm nguyên tắc “quyền quyết định và quyền tự định đoạt của các đương sự”, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như của bị can, bị cáo trên cơ sở sự tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật cũng như vi phạm đạo đức xã hội, trong khi Bộ luật tố tụng hình sự chưa có qui định về thủ tục “công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” trong tố tụng hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn cụ thể nội dung này, và vấn đề dân sự được các bên đã thỏa thuận cần được ghi rõ trong phần “Quyết định” của Bản án và ghi rõ “Công nhận hoặc Ghi nhận sự thỏa thuận giữa … với…. và sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành” để làm căn cứ để thi hành.
Trên đây là một số quan điểm khác nhau về nhận thức và áp dụng việc ghi nhận hay công nhận sự thỏa thuận của cá đương sự trong vụ án hình sự và hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc, xin nêu ra để các bạn đọc cùng tham gia trao đổi, thảo luận. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn độc giả.
QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Đặt câu hỏi miễn phí