Những điểm mới của Luật khiếu nại, tố cáo.

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Những điểm mới của Luật khiếu nại, tố cáo.


Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện Luật đã có nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn và hội nhập quốc tế. Với lý do đó, Quốc hội đã ban hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo để thay thế Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005.

So với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005 chúng ta thấy Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011 đã có nhiều nội dung mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khiếu nại, tố cáo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể như sau:

I. Điểm mới của Luật khiếu nại

1.1. Về trình tự khiếu nại, giải quyết khiếu nại

Đây là một trong những nội dung quan trọng và có nhiều điểm mới của Luật khiếu nại so với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005. Các quy định của Luật trước đây không quy định rõ các bước của việc khiếu nại mà quy định lồng ghép vào thủ tục giải quyết khiếu nại, do vậy, muốn hiểu được trình tự khiếu nại đòi hỏi người thực hiện phải có sự khái quát và nghiên cứu rất kỹ, mất nhiều thời gian. Việc quy định về trình tự khiếu nại như vậy làm cho công dân dễ nhầm lẫn. Khắc phục hạn chế này, Luật khiếu nại đã dành Điều 7 để quy định cụ thể về trình tự khiếu nại. Theo đó thì trình tự khiếu nại được thực hiện như sau:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân,

giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2/5/2012

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, điểm mới trong trình tự khiếu nại chính là khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp mình, người khiếu nại có quyền khởi kiện ngay vụ án hành chính tại toà án đối với quyết định, hành vi đó mà không nhất thiết phải khiếu nại với người đã ban hành hoặc có quyết định hành chính, hành vi hành chính như quy định trước đây. Đây là quy định nhằm mở rộng quyền dân chủ trong việc khiếu nại, đồng thời tạo ra nhiều cơ chế giải quyết khiếu nại để người dân có thể lựa chọn.

1.2. Về nhiều người cùng khiếu nại

Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật này vào năm 2004, năm 2005 không quy định về nhiều người cùng khiếu nại. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn công tác khiếu nại, giải quyết khiếu nại cho thấy, trong nhiều trường hợp, công dân không khiếu nại đơn lẻ mà tập trung đông người để khiếu nại về cùng một nội dung của một quyết định hành chính. Việc khiếu nại như vậy thường thấy trong những vụ việc khiếu nại về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số nơi, tình trạng này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có trách nhiệm giải quyết triệt để loại khiếu này, hạn chế tình trạng công dân kéo lên cơ quan trung ương, tới các nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để thực hiện khiếu nại. Để khắc phục hạn chế này, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết hiệu quả khiếu nại hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Khoản 4, Điều 8 Luật khiếu nại đã xác định trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Người khiếu nại phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khiếu nại.

Thứ hai, trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung khiếu nại như nói ở trên, đơn khiếu nại phải có chữ ký của người khiếu nại và những người khiếu nại phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết.

Đây cũng là nội dung mới của Luật khiếu nại năm 2011 so với Luật khiếu nại, tố cáo trước đây.

1.3. Về công khai quyết định giải quyết khiếu nại

Công khai quyết định giải quyết định giải quyết khiếu nại là nội dung mới của Luật khiếu nại so với Luật khiếu nại, tố cáo, song trên thực tế thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Theo quy định của Luật này thì quyết định giải quyết khiếu nại phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo Điều 41 của Luật khiếu nại thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Quy định này được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu, mục đích của công khai là bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Điều 41 của Luật khiếu nại thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được thực hiện như sau:

+ Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

+ Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai dưới đây: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các quy định nêu trên đã quy định về thời gian và các hình thức công khai quyết định giải quyết khiếu nại, song công khai theo từng hình thức phải thực hiện thế nào, với thời gian bao lâu...thì cần phải được tiếp tục làm rõ, vì vậy, Khoản 3 Điều 41 của Luật khiếu nại quy định Chính phủ quy định chi tiết việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

1.4.  Bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước

Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 không có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, qua tổng kết về công tác giải quyết khiếu nại cho thấy việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp không ít. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp của nhà nước, Luật khiếu nại năm 2011 đã bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo Luật khiếu nại để giải quyết.

II. Điểm mới của Luật tố cáo

2.1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên thực tế

Trên thực tế, các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra rất đa dạng và phức tạp, nó có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, với tính chất, mức độ vi phạm khác nhau, xâm phạm đến những quan hệ xã hội khác nhau được pháp luật bảo vệ. Về nguyên tắc thì các hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh; Nhà nước phải có cơ chế để khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát hiện, tố cáo, phản ánh với các cơ quan nhà nước về hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian qua trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành Luật khiếu nại, tố cáo vào năm 1998 và đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2004, 2005, đồng thời có nhiều quy định để điều chỉnh về tố cáo và giải quyết tố cáo trong các lĩnh vực, tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ điều chỉnh về vấn đề này. Tuy nhiên với tư cách là đạo luật gốc điều chỉnh những vấn đề cơ bản, chung nhất về tố cáo và giải quyết tố cáo thì nội dung của Luật khiếu nại, tố cáo chưa bao quát, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc giải quyết những tố cáo đang phát sinh trên thực tiễn. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đặt ra, khắc phục tình trạng bất cập hiện nay, trong quá trình xây dựng Luật tố cáo thì việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được làm rõ.

Quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo cho thấy giữa phạm vi điều chỉnh và thẩm quyền, trình tự giải quyết tố cáo chưa có sự thống nhất. Tại Khoản 2 Điều 1 thì công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, tại chương I - Những quy định chung và chương VII- Giám sát công tác giải quyết tố cáo, Chương VI- quản lý về công tác giải quyết tố cáo thì cho thấy phạm vi điều chỉnh là việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong tất cả các lĩnh vực. Trái lại, các quy định về thẩm quyền và thủ tục giải quyết lại chỉ tập trung vào việc giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính. Sự không nhất quán, thiếu thống nhất trong cách quy định đó đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, căn cứ vào những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan, Luật tố cáo mở rộng phạm vi điều chỉnh, nhằm bao quát hết việc tố cáo và giải quyết tố cáo đang diễn ra, trên cơ sở phân định rõ hành vi vi phạm pháp luật và đối tượng có hành vi bị tố cáo để xác định quy trình giải quyết cho phù hợp. Theo đó có: (1) tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật tố cáo bổ sung nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm bị tố cáo; bảo vệ người tố cáo...Những quy định mới đó nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc tố cáo, giải quyết tố cáo, đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo.

2.2. Quy định đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật tố cáo đã quy định đầy đủ, chi tiết, chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.

Đối với người tố cáo, so với quy định hiện hành thì Luật tố cáo đã bổ sung thêm một số quyền cho người tố cáo như: được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Luật tố cáo đã bổ sung người tố cáo có thêm các nghĩa vụ: cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Đối với người bị tố cáo, Luật đã bổ sung có thêm một số quyền: nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại do việc giải quyết tố cáo không đúng gây ra.

Bên cạnh đó, Luật tố cáo đã có quy định mới về quyền, nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo, cụ thể là người giải quyết tố cáo có các quyền: Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; kết luận về nội dung tố cáo; quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tương ứng với các quyền trên thì người giải quyết tố cáo cũng phải có các nghĩa vụ: bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo; không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

2.3. Thẩm quyền giải quyết tố cáo được bổ sung và quy định một cách đầy đủ

Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, thẩm quyền giải quyết tố cáo đã được quy định một cách đầy đủ hơn, tương ứng với việc giải quyết đối với hai loại hành vi vi phạm pháp luật nêu trên. Đó là thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Đối với loại thứ nhất, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Luật tố cáo đã quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan khác của nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, Luật cũng đã có quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi pháp luật của những người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Còn đối với loại thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực, Luật quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền và trình thự, thủ tục giải quyết

2.4. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo được quy định cụ thể đối với các nhóm hành vi vi phạm

Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp luật hiện hành, Luật tố cáo đã quy định đầy đủ, cụ thể, chi tiết hơn về trình tự thủ tục giải quyết phù hợp với tính chất, đặc điểm và yêu cầu của việc giải quyết đối với từng loại tố cáo như: Hình thức tố cáo, xử lý trường hợp nhiều người cùng tố cáo về một nội dung; về tiếp nhận xử lý thông tin tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo; việc tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp; việc công khai kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

2.5. Xây dựng cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo

Luật tố cáo đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ người tố cáo, trong đó quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng và thời hạn bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ; bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc; bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.

2.6. Một số điểm mới khác

Ngoài những nội dung nêu trên, Luật tố cáo còn bổ sung một số nội dung khác như:

- Nguyên tắc giải quyết tố cáo: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Nội dung này cũng được cụ thể hoá bằng các quy định tại khoản 1 Điều 10 về quyền của người bị tố cáo và tại điểm c khoản 2 Điều 11 về nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo (không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo).

- Những hành vi bị nghiêm cấm: Đã quy định cụ thể và chi tiết hơn về các hành vi bị nghiêm cấm như nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích Nhà nước…(Điều 8).

- Quy định rõ hơn về Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bố trí trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Xác định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo như: Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu; phối hợp xử lý đơn thư,  giải quyết, quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo.


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)