Nghề Luật sư tại Việt Nam, hiểu thế nào nhỉ? Các Luật sư hãy sống và làm việc theo pháp luật, niềm đam mê và phù hợp với cơ chế đất nước để hài hòa hơn cho bản thân

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Nghề Luật sư tại Việt Nam, hiểu thế nào nhỉ?


Dân gian hay có câu “có tiếng mà không có miếng”, điều này cho thấy rằng danh tiếng và lợi ích không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Trong nhiều trường hợp chúng ta cũng chỉ được chọn một trong hai mà thôi, nghề Luật sư cũng không ngoại lệ.

 

1. Công việc và chức năng xã hội của Luật sư ở nước ta:

a. Về mặt lý thuyết thì:

Dịch vụ pháp lý của luật sư rất đa dạng bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. (Điều 4 Luật Luật sư)

Thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển KT-XH, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.” (Điều 3 Luật Luật sư)

Như vậy có thể khẳng định rằng nghề Luật sư giữ một vai trò rất to lớn đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì thế, nghề Luật sư rất được xã hội trọng vọng và được xem là một trong những nghề cao quý bên cạnh nghề bác sỹ và nhà giáo.

b. Thực tiễn hành nghề

Đọc quy định tại Điều 4 Luật Luật sư chúng ta dễ dàng nhận thấy cách nhìn của các nhà làm luật nói riêng và xã hội nói chung về mức độ quan trọng của từng dịch vụ pháp lý mà một người Luật sư có thể làm. Có thể tóm gọm trong ba mảng chính.

Mảng dịch vụ thứ nhất: Tham gia hoạt động tố tụng

Quá trình này trải qua nhiều giai đoạn và điển hình nhất là hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Hình ảnh một Luật sư trong mắt của tuyệt đại đa số những người không biết gì về luật hình dung đó là một ông “thầy cãi” uy nghi, đĩnh đạc với những hiểu biết sâu sắc về pháp luật cùng với lập luận sắc bén của mình đã giúp những kẻ yếu thế trong xã hội chiến thắng cái ác, tìm lại sự trong sạch, đòi lại được lẽ phải.

Đó là những hình ảnh mà mọi người thường thấy trong các bộ phim về nghề Luật, hình ảnh những Luật sư đó thuộc về những nước phương tây nơi mà pháp luật là tối thượng, Luật sư được đối xử bình đẳng với cơ quan công tố, họ được tham gia vào cả khâu thu thập chứng cứ trong các vụ án mà họ tham gia.

Trở về với những Luật sư VN, những người trong nghề không lạ gì với việc các Luật sư bị làm khó đủ thứ khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo. Luật sư không có quyền tự thu thập chứng cứ đã đành mà khi muốn được xem xét chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được cũng không phải đơn giản, liên tục bị từ chối thẳng hoặc hẹn hết lần này đến lần khác.

Việc tiếp xúc với người bị tạm giam, tạm giữ cũng không khá hơn là mấy. Rất nhiều trường hợp người bị bắt có đơn yêu cầu gặp luật sư nhưng bị từ chối, thậm chí còn có loại đơn do người bị tạm giam, tạm giữ “tự nguyện” yêu cầu không cần có luật sư?

Trước khi xét xử đã khổ trăm bề đến khi tranh tụng tại phiên Tòa thì tình hình cũng chẳng khả quan hơn là mấy. Nhiều Luật sư nói rằng đã gặp trường hợp Kiểm sát viên thì huyên thuyên từ đầu đến cuối đến lúc Luật sư trình bày quan điểm để bảo vệ cho bị cáo thì bị Chủ tọa ngắt lời vì không còn nhiều thời gian?

Con đường mà một Luật sư tranh tụng phải đi có quá nhiều chông gai và rủi ro vì thế số Luật sư VN chuyên mảng tranh tụng chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Mảng dịch vụ thứ hai: Tư vấn pháp luật

Ở mảng này số lượng các văn phòng và Công ty Luật chuyên tư vấn có nhiều hơn so với mảng thứ nhất tuy nhiên mức độ chuyên nghiệp và đạt đến trình độ tư vấn tính theo giờ như mọi người thường thấy qua phim ảnh là cực kỳ hiếm thấy tại VN.

Đa số hoạt động tư vấn cũng chỉ mang tính bổ trợ cho hoạt động dịch vụ mà người viết sẽ đề cập đến trong mảng thứ ba. Cả khách hàng và Luật sư tư vấn đều không thể hoặc không cần kết quả cuối cùng của việc tư vấn là giải quyết rốt ráo vướng mắc pháp lý.

Mọi thứ chỉ dừng lại ở mức cơ bản tạo được sự yên tâm cho khách hàng khi lời nói đó được phát ra từ một người Luật sư và vấn đề được giải quyết một phần là hai bên đã cảm thấy hài lòng.

Mảng dịch vụ thứ ba: Dịch vụ pháp lý khác

Chính mảng mà Luật Luật sư quy định ở cuối cùng lại là mảng được nhiều các Văn phòng luật sư và Công ty luật lựa chọn nhất.

Về cơ bản hoạt động trong mảng này ít rủi ro, kỹ năng cần thiết cũng khá đơn giản, khách hàng thì thường xuyên và nhiều hơn nên hoạt động trong mảng này mang lại cho các Luật sư mức thu nhập khá ổn định.

Có thể hiểu một cách nôm na rằng mảng này là mảng nhận ủy quyền của khách hàng để làm một công việc như hành chính, dân sự, v.v…và thu  phí dịch vụ. Mảng này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Dịch vụ nhà đất, xin giấy phép xây dựng, xin giấy phép đầu tư, dịch vụ đăng ký kinh doanh v.v…

Trong tất cảc các hoạt động dịch vụ thuộc mảng này bản thân khách hàng đều có thể tự mình làm được vấn đề là tốn thời gian và công sức nhiều hơn vì ngại đến cơ quan công quyền và thiếu quan hệ quen biết.

Bản thân tôi cũng đã từng làm rất nhiều hồ sơ kiểu như thế này rồi khi còn làm việc tại Văn phòng Luật sư. Khi đến các nơi như Chi Cục thuế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp. HCM, tôi thấy rất nhiều các đồng nghiệp được đào tạo bài bản làm việc tại các Công ty luật cũng đang chờ đến số thứ tự của mình.

Cũng tại đây, có rất nhiều người không cần qua một trường lớp đào tạo luật nào, chẳng qua là làm quen việc và có quen biết với những người làm thủ tục trong các cơ quan nhà nước. Họ chính là những người mà trong đời sống người ta thường gọi là “cò dịch vụ”: Nhà đất, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh.

Điều làm tôi thấy phải suy nghĩ là số lượng hồ sơ (tương ứng với số lương khách hàng) của họ luôn nhiều hơn gấp nhiều lần của chúng tôi. Nghĩa là họ làm ăn được hơn cho dù họ là “tay ngang” không hiểu biết về luật pháp nhiều.

2. Những trăn trở cho nghề Luật sư:

Hàng năm có hàng ngàn Cử nhân Luật tốt nghiệp và không ít trong số đó đi theo con đường trở thành một Luật sư chuyên nghiệp. Họ là những người được đào tạo bài bản, hiểu biết pháp luật. Họ có thể về đầu quân cho một văn phòng Luật sư hay một công ty luật nào đó hoặc họ cũng có thể mở công ty riêng.

Đáng tiếc rằng dù làm thuê hay sự nghiệp riêng thì tuyệt đại đa số các Luật sư đều đi theo con đường làm dịch vụ. Loại công việc mà những “cò dịch vụ”, những người “tay ngang” không bằng cấp làm hiệu quả không thua gì các Luật sư chuyên nghiệp, thậm chí là tốt hơn nhiều lần.

Dù rằng công việc này tạo nguồn thu nhập ổn định và ít rủi ro nhưng đó không phải là niềm kỳ vọng của xã hội đặt lên vai các Luật sư, không mang lại uy tín và tiếng thơm cho nghề Luật sư.

Càng ngày càng vắng đi những Luật sư đứng trước phiên Tòa đấu tranh hùng hồn cho lẽ phải và kết thúc bằng những tràng pháo tay tưởng như không bao giờ ngớt từ những người có mặt tại phòng xử án.

Nghề luật sư là một nghề vô cùng cao quý và tôi ủng hộ những ai yêu nghề và đang hành nghề đầy tâm huyết với mong muốn xứng đáng với hai tiếng “Luật sư”. Với những Luật sư còn lại, tôi mong mỏi nếu ai có thể thì hãy góp một phần nào đó để cho nghề Luật xứng đáng với những gì mà xã hội kỳ vọng và đặt niềm tin.

3. Mảng nào sẽ ưu thế và phù hợp với cơ chế?

Rất tiếc khi cơ chế, hoàn cảnh của đất nước ta có sự khác biệt rõ rệt với một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh ... ở những quốc gia đó xã hội đề cao vai trò Luật sư trong tất cả lĩnh vực, chính vì thế Luật sư ở đó họ được ghi nhận như một nghề mang lại công bằng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật cho mọi người. Và ngược lại ở nước ta Luật sư tranh tụng đôi khi cũng chẳng khác "cò" dịch vụ là mấy, vì thực tế không ít các Luật sư tranh tụng nếu chỉ "cãi như hát hay" nhận được nhiều tràng vỗ tay và kết quả là cơ quan tố tụng vẫn tuyên bác thì liệu cái tràng vỗ tay đó có mang lại điều gì ngoài sự an ủi và tán thưởng, đồng cảm của khách hàng hay không? Đó là chưa tính đến con số không nhỏ Luật sư làm mảng "Tranh tụng" chỉ chăm chăm để có được thông tin là chạy lên gặp cán bộ cơ quan tố tụng để làm cơ chế, xử lý kỹ thuật (một dạng chạy án)? thì liệu có sinh ra được nhiều Luật sư tranh tụng thật sự tâm huyết với nghề hay không?

Tôi cho rằng rất ít, và quan điểm cá nhân tôi cho rằng. Các Luật sư hãy sống và làm việc theo pháp luật, niềm đam mê và phù hợp với cơ chế đất nước để hài hòa hơn cho bản thân. Nếu không như thế thì e rằng cơ hội tụt hậu là khá cao. Vì ở nước ta cái không thể lúc nào cũng sẵn sàng biến thành cái có thể?

 

Theo: thuvienphapluat

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)