Không vô hiệu khi thỏa thuận giá bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng tiền đồng Việt

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Tòa án: Không vô hiệu nếu thỏa thuận giá bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam !

 

Trong khi các cơ quan quản lý tiền tệ cho là vi phạm thì cũng với hành vi đó khi giải quyết tranh chấp cơ quan tòa án lại có quan điểm khác. Hướng dẫn vấn đề này, Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chia ra làm hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, nếu hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Trường hợp thứ hai, nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu toàn bộ.

Như vậy, nghị quyết này chỉ xem xét ở khía cạnh thanh toán, tức là hợp đồng vẫn được công nhận hợp pháp nếu đảm bảo được điều kiện thanh toán bằng đồng Việt Nam cho dù có thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ. Thậm chí, theo ý kiến của một số thẩm phán, trên thực tế việc xét xử có phần còn thoáng hơn. Chẳng hạn như đối với trường hợp thứ nhất (hợp đồng thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ) có tòa không tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ như hướng dẫn của TANDTC mà chỉ tuyên vô hiệu một phần hợp đồng về điều khoản thanh toán, đồng thời cho phép các bên thỏa thuận lại theo hướng thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó chánh Tòa Kinh Tế TPHCM cho rằng việc nghị quyết của TANDTC chỉ tập trung vào vấn đề thanh toán không phải không có cái lý của nó. Bởi điều khoản thỏa thuận về thanh toán là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng, còn niêm yết thì hoàn toàn chẳng liên quan gì ở đây cả. Quy định về niêm yết chỉ liên quan về mặt quản lý nhà nước, nằm ngoài thỏa thuận của hợp đồng và vì vậy theo ông Phú, không cần thiết phải đưa vấn đề niêm yết để xem xét hợp đồng khi các bên có tranh chấp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hợp đồng không chỉ có điều khoản về thanh toán mà còn có thỏa thuận về giá cả và các thỏa thuận khác. Trong khi đó, luật không chỉ cấm hành vi niêm yết, thanh toán hay quảng cáo bằng ngoại hối mà cấm cả “mọi giao dịch bằng ngoại hối”. Đây là một khái niệm với nội hàm rất rộng, trong đó bao gồm cả hợp đồng, giao kết… và dĩ nhiên có cả vấn đề thỏa thuận về giá cả khi giao kết hợp đồng. Do vậy, nếu “căn” đúng theo quy định của pháp luật thì việc thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ cũng phải bị xem là vi phạm điều cấm của pháp luật. Nói cách khác, hợp đồng phải bị vô hiệu. Thậm chí, theo một cán bộ của Phòng Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố TPHCM, kể cả trong trường hợp các bên có thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam nhưng lấy biến động của tỷ giá ngoại tệ để làm cơ sở điều chỉnh giá cả thì vẫn có thể rơi vào trường hợp “giao dịch bằng ngoại hối” bị nghiêm cấm. “Vi phạm ở chỗ, các bên vẫn áp giá trị ngoại tệ, dùng giá trị ngoại tệ để thực hiện giao dịch”- vị cán bộ giải thích.

Rõ ràng, các quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngoại hối vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Đây là vấn đề cần được Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ hoặc một thông tư liên tịch giữa TANDTC và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải thích rõ ràng, ngõ hầu pháp luật được thực thi một cách có hiệu quả.


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155 - 0983017755
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)