Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng theo quy định pháp luật.
1. Hiểu như thế nào về trách nhiệm bồi thương thiệt hại ngoài hợp đồng
Trong quan hệ dân sự, trách nhiệm dân sự được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể phải ghánh chịu khi có hành vi vi phạm pháp luật. Nếu như nói những quy định về bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản, hay các thỏa thuận giữa các chủ thể dân sự là những thiết chế ràng buộc. Thì trách nhiệm dân sự được coi là thể chế đảm bảo cho thiết chế được thực thi.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại thuộc trách nhiệm dân sự, phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Tuy pháp luật hiện nay không quy định rõ, nhưng có thể chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại thành hai loại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Nếu như trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng gắn liền với với một hợp đồng cụ thể, phát sinh dựa theo thỏa thuận của các bên hoặc theo pháp luật về chế định hợp đồng. Thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng lại khác. Không có quan hệ hợp đồng được hình thành giữa các chủ thể trong quan hệ bồi thường ngoài hợp đồng, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tách biệt với những thỏa thuận của các bên và chỉ được xác định dựa theo quy định pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
2. Khi nào thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Về vấn đề này Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, Phải có thiệt hại thực tế xảy ra.
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.
b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
Thứ hai, Phải có hành vi trái pháp luật.
Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
Để đánh giá hành vi nào là trái pháp luật, cần xác định chính xác đặc điểm, mức độ của hành vi đồng thời xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi đó. Trong một số trường hợp, chủ thể có hành vi gây thiệt hại nhưng được pháp luật cho phép thì không phải bồi thường chẳng hạn: Cán bộ cưỡng chế, trong giới hạn phòng vệ chính đáng, trong giới hạn yêu cầu của tình thế cấp thiết…
Thứ ba, Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Thứ tư, Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Việc xác định lỗi được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
3. Xác định mức bồi thường thiệt hại
Dựa trên nguyên tắc “Thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường…” Pháp luật quy định theo hướng mô tả các thiệt hại được bồi thường trong từng trường hợp, đồng thời đưa ra mức tối đa nếu các bên không tự thỏa thuận được về mức bồi thường. Cụ thể:
Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trường hợp không thỏa thuận được mức tối đa bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định
Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bộ Luật dân sự năm 2015 đã nâng mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa do tính mạng bị xâm hại là 100 tháng lương tối thiểu
Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
" Minh Trung - Công ty Luật Hoàng Sa"
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí