Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hệ thống tải điện, cây cối gây ra.
Người và tài sản bị thiệt hại do mưa bão, hệ thống tải điện, cây cối gây ra có thể được chủ sở hữu (hoặc người được giao) bồi thường thiệt hại, hoặc được bảo hiểm chi trả thiệt hại theo theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
1. Trách nhiệm của chủ sở hữu hệ thống tải điện, cây cối (hoặc đơn vị được giao):
- Hệ thống tải điện là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
2. Quy định loại trừ trách nhiệm của chủ sở hữu hệ thống tải điện, cây cối:
- Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
-
Khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định loại trừ trách nhiệm đối với chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Quy định sự kiện bất khả kháng của Bộ luật Dân sự:
- Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
4. Có thể được bồi thường thiệt hại hay không?
- Như vậy, quy định hiện hành ghi nhận chủ sở hữu (hoặc người được giao) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hệ thống tải điện, cây cối gây ra thiệt hại cho người khác. Nhưng luật pháp cũng ghi nhận một số quy định loại trừ trách nhiệm cho chủ sở hữu như thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết, thiệt hại hoàn toàn do lỗi, (hoặc lỗi cố ý) của bên bị thiệt hại.
- Do vậy, nếu các chủ sở hữu cây cối, hệ thống tải điện đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa các cành cây, buộc cây, gia cố hệ thống tải điện … nhằm hạn chế tai nạn xảy ra cho người đi đường, hoặc tài sản người khác nhưng do mưa, bão cây cối vẫn đổ, bật gốc, hệ thống tải điện vẫn đổ, sập … gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường. Cần xem xét đến các yếu tố như trên.
5. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
- Bồi thường thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc tự thỏa thuận hoặc nếu không tự thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa tổn thất tinh thần: Đối với sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; Đối với tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (ngoài khoản bồi thường tổn thật vật chất bị thiệt hại như chi phí cứu chữa, sửa chữa, ma chay ...).
- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ngoài ra, người bị thiệt hại do mưa bão, cây cối, hệ thống tải điện gây ra còn có quyền yêu cầu đơn vị bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm đối với người, tài sản theo quy định thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết với đơn vị bảo hiểm (kể cả trường hợp thiệt hại do sự kiện bất khả kháng).