Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
Quý khách liên hệ với chúng tôi
0911771155 - 0983017755
Luathoangsa@gmail.com
ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA
Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
TỘI CHỨA CHẤP, HOẶC TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ.
Trong thực tiễn áp dụng Điều 250 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vẫn còn những quan điểm và nhận thức khác nhau về định tội danh, dẫn đến còn có sự áp dụng pháp luật chưa thống nhất.
Tại Khoản 1 Điều 250 BLHS quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Hướng dẫn chi tiết điều luật trên, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền (sau đây viết tắt là Thông tư số 09) có quy định như sau:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”
Cấu thành cơ bản của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 250 BLHS với nội dung: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
- Mặt khách thể và đối tượng tác động của tội phạm
Khách thể chung của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản là trật tự công cộng và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa và khách thể trực tiếp là trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có, gây ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Cho nên, đối tượng tác động của tội này là tài sản do người khác phạm tội mà có. Do đó, nếu một người chứa chấp, tiêu thụ tài sản của một người nhưng tài sản đó không phải do phạm tội mà có thì hành vi chứa chấp, tiêu thụ của họ không cấu thành tội này.
- Mặt khách quan của tội phạm
Điều luật chỉ quy định “người nào … chứa chấp, tiêu thụ tài sản …” mà không liệt kê những hành vi nào được xem là hành vi chứa chấp, tiêu thụ.
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 09 quy định: “chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó” và “tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó”.
Tuy nhiên, hành vi chứa chấp chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi chứa chấp nhận tài sản từ người phạm tội. Nếu như người thực hiện hành vi chứa chấp không nhận tài sản từ người phạm tội thì hành vi của họ không phạm tội này mà có thể phạm tội khác được quy định trong Bộ luật hình sự.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Điều luật quy định “người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có…” nên đã thể hiện rõ lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, để làm rõ thuật ngữ “biết rõ” cũng không phải là vấn đề đơn giản. Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09 thì biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có “là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
- Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này là chủ thể thường, tức người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định thì đáp ứng về mặt chủ thể đối với loại tội này. Điều luật quy định 04 khung hình phạt khác nhau: đến 3 năm tù (Khoản 1); đến 7 năm tù (Khoản 2); đến 10 năm tù (Khoản 3) và đến 15 năm tù (Khoản 4). Cho nên người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi thuộc một trong các tình tiết định khung được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của các khung từ Khoản 1 đến Khoản 4.
Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 250 BLHS là “phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.
Mặc dù Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định khá rõ ràng và đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm về tội phạm trên, nên Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 thì Điều 250 vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng điều luật này vẫn còn nhận thức và quan điểm trái ngược nhau về vấn đề định tội danh, chúng tôi xin nêu điển hình một số vụ án dưới đây:
Vụ thứ nhất, trong các ngày 04 và 13/12/2014, Nguyễn Tấn Linh sinh ngày 11/5/1999 trộm cắp của một số người dân trên địa bàn huyện K, tỉnh Đắk Lắk một số tài sản gồm 05 máy tính xách tay và 01 điện thoại di động. Sau khi lấy trộm được tài sản, Linh đã kể cho Đặng Phúc Nh và Hoàng Minh Th biết là tài do mình trộm cắp được, đồng thời rủ Nh và Th đi tiêu thụ số tài sản trên để lấy tiền tiêu xài thì Nh và Th đồng ý. Khi bị bắt giữ, Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định, Hội đồng định giá kết luận, giá trị 05 máy tính xách tay và 01 điện thoại di động nêu trên tổng giá trị trên 51 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó Cơ quan điều tra Công an huyện K, không khởi tố đối Nh và Th về tội “Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì cho rằng hành vi của L không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” (do L chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự), nên hành vi của Nh và Th không phạm tội với yếu tố “do người khác phạm tội mà có”. Liên quan đến hành vi của Nh và Th, có nhiều quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: phải xử lý Nh và Th về tội “Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì hành vi của L đã đủ yếu tố cấu thành “Trộm cắp tài sản”, nhưng do L chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên chỉ xử lý hành chính đối với L, nếu không xử lý hình sự đối với Nh và Th là bỏ lọt tội phạm.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi của Nh và Th chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì hành vi của L chưa đủ yếu tố cấu thành “Trộm cắp tài sản”.
Theo quan điểm của cá nhân, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất nêu trên. Ở đây phải hiểu rằng, người phạm tội theo Điều 250 BLHS khi người đó chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Nghĩa là nếu giá trị của tang vật phạm pháp đủ để cấu thành cơ bản trong các điều luật tương ứng (mà vụ việc nêu trên là Điều 138 BLHS) thì người thực hiện hành vi tiêu thụ, chứa chấp phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trong trường hợp này, tài sản mà L chiếm đoạt đã đủ định lượng cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” (trên 2 triệu đồng), thuộc trường hợp tài sản “do người khác phạm tội mà có” nên Nh và Th phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, mà không cần quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm đối với L như thế nào.
Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo tổng kết công tác giải quyết các vụ án hình sự của Tòa hình sự, TAND tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác xét xử năm 2012 nêu rõ: “Trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thi người (đủ tuổi và năng lực TNHS) chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chiếm đoạt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 Bộ luật hình sự”.
Vụ thứ hai, vào tối ngày 22/10/2013, Hoàng Đình Th và Vũ Đình Đ đột nhập vào nhà một người dân trên địa bàn huyện K, tỉnh Đắk Lắk lấy trộm được 97kg cà phê quả tươi, sau đó Th bán số cà phê nói trên cho Trịnh Thị Trang L (Th nói cho L biết là cà phê do Th trộm cắp mà có), nhưng L vẫn đồng ý mua. Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định, Hội đồng định giá kết luận, 97kg cà phê quả tươi trị giá 679 ngàn đồng.
Sau đó, Cơ quan điều tra Công an huyện K, khởi tố Th về tội :Trộm cắp tài sản” (do Th có 02 tiền án về tội chiếm đoạt tài sản), nhưng không khởi tố L về tội Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có, vì cho rằng tài sản do Th phạm tội mà có chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, mà Th bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” là do yếu tố khác (nhân thân) của Th. Liên quan đến hành vi của L, có nhiều quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: hành vi của L đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì biết rõ số lượng cà phê là do Th phạm tội mà có, nhưng vì hám lợi nên L vẫn mua (tiêu thụ) và hơn nữa, hành vi của Th đã đủ yếu tố cấu thành Trộm cắp tài sản.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi của L không đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có, vì Th bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” là do yếu tố khác (nhân thân) của Th, còn tài sản mà Th trộm cắp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Với tình huống nêu trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Điều 250 BLHS không quy định trong cấu thành cơ bản định lượng tài sản phạm tội nên chỉ cần đó là tài sản do phạm tội mà có là đã đủ dấu hiệu của tội phạm. Mặt khác, việc điều luật không quy định định lượng tài sản xuất phát từ ý nghĩa đối tượng có được do phạm tội mà có thì tài sản trong tội này có được từ bất cứ tội nào có liên quan đến tài sản. Như đã phâ tích ở trên, yếu tố định lượng trong Điều 250 được dẫn chiếu từ căn cứ theo nội dung “người khác phạm tội” quy định tại các điều luật khác. Trong trường hợp trên, mặc dù tài sản do Th phạm tội mà có chỉ 679 ngàn đồng, nhưng hành vi của Th đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tội “Trộm cắp tài sản” (bất luận vì lý do gì) thì hành vi tiêu thụ của L phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập nêu trong bài viết này, trong Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về định lượng cấu thành cơ bản của tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo đó, tại Khoản 1, Điều 335 Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng biết là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” và các khoản khác quy định tăng nặng với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, quy định như trên thì Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) mới khắc phục được vướng mắc về vấn đề định lượng cấu thành cơ bản của tội phạm này, còn một số vấn đề khác như tác giả đã phân tích ở trong bài viết này thì vẫn chưa được quy định. Hy vọng rằng, khi Bộ luật hình sự (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành, các cơ quan có thẩm quyền sẽ hướng dẫn cụ thể để khắc phục những vướng mắc, bật cập này.
Quý khách liên hệ với chúng tôi
Đặt câu hỏi miễn phí