Thời điểm chuyển giao giữa hai bộ luật hình sự

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Thời điểm chuyển giao giữa hai bộ luật hình sự.

 

Sự khác biệt trong một số quy định của Bộ luật Hình sự mới (2015) và Bộ luật Hình sự hiện hành (1999) sẽ được xử lý như thế nào khi hiệu lực của hai bộ luật được chuyển giao vào ngày 1-7-2016?

Lợi cho người phạm tội

Nghị quyết 109 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự 2015 xác định: từ ngày 1-7-2016, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về việc xóa bỏ một tội, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn, giảm trách nhiệm hình sự, hình phạt; xóa án tích... mà có lợi cho người phạm tội (so với Bộ luật Hình sự 1999) thì được áp dụng cho cả những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích).

Ngược lại, với các tội mới (như tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại...); các hình phạt nặng hơn, tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 mà không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự 1999).

Nhưng riêng về các tội quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 nhưng đã được loại bỏ khỏi Bộ luật Hình sự 2015 như tội hoạt động phỉ (điều 83), tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (điều 149), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165), tội kinh doanh trái phép (điều 159) thì không được hưởng “cơ chế” có lợi cho người phạm tội như các trường hợp kể trên

Cụ thể, theo hướng dẫn của Quốc hội, các tội đã bị bỏ nói trên nếu xảy ra trước ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố xét xử thì vẫn tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.

Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh này để kháng cáo, kháng nghị. Kể cả trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 để giải quyết.

Tất nhiên, nếu các hành vi vi phạm tội vừa kể trên mà sau ngày 1-7-2016  mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội này (theo Bộ luật Hình sự năm 1999), mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

Một điểm cũng cần lưu ý nữa là nghị quyết của Quốc hội không cho phép việc căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm (đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 1-7-2016).

Và, riêng các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại mới đưa vào Bộ luật Hình sự 2015, chỉ áp dụng kể từ ngày 1-7-2016, không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước thời điểm này.

Sẽ đình chỉ nhiều vụ án

Theo Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành thì Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ưu tiên rà soát các vụ án hình sự và đối tượng hình sự thuộc trường hợp được giảm án, miễn án, xóa án (theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015) để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án...

Trên tinh thần đó, Viện Kiểm sát tối cao cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình (so với Bộ luật Hình sự 1999), như: tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội tàng trữ trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch. Đồng thời không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Trong khi đó, Tòa án tối cao cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với những người thuộc trường hợp như đề cập ở trên nhưng chưa thi hành án; cũng như trường hợp người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điều 40.3.c) để tòa chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân, theo tinh thần của luật mới.

Một nguồn tin cho biết, hiện nay Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đang rà soát các trường hợp người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm (như hành vi tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính) để xử lý theo hướng như sau: nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Tất nhiên, đối với những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại thuộc diện không phải chấp hành tiếp thì đương nhiên được xóa án tích.

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng nữa (khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) là phần lớn các tội danh trong lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, nên các cơ quan thi hành án dân sự, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, các sở tư pháp sẽ tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án phạt tiền thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định và làm thủ tục đề nghị tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền cho họ; rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định, cập nhật thông tin vào lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” cho họ khi có yêu cầu.


       QUÝ KHÁCH LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

 Công ty Luật Hoàng Sa

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  02466564319 - 0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)