So sánh Nghị quyết, quyết định và quyết nghị.
Nghị quyết, Quyết định là hình thức của Văn bản pháp luật nhưng không phải mọi Nghị quyết, Quyết định đều là văn bản pháp luật (Ví dụ: Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định xử phạt, Quyết định khen thưởng, kỷ luật, Quyết định cấm xuất cảnh ... không phải là văn bản pháp luật). Và Quyết nghị thì không phải là hình thức văn bản pháp luật.
1. NGHỊ QUYẾT:
- Khái niệm: Nghị quyết là một loại văn bản thể hiện ý chí, lập trường, định hướng hành động, chính sách của tập thể hoặc cơ quan quyền lực nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội sau khi đã thảo luận và biểu quyết thống nhất.
- Chủ thể ban hành: Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, Các cơ quan trong hệ thống Đảng (như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị,...), Một số tổ chức chính trị – xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên...).
- Đặc điểm pháp lý: Có giá trị chỉ đạo, định hướng hoặc quy phạm pháp luật tùy cấp độ. Không phải lúc nào cũng là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nghị quyết của Quốc hội hoặc HĐND có thể có giá trị pháp lý ràng buộc.
- Nội dung: Thường có Chủ trương, chính sách lớn (về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...), Kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn Đề ra mục tiêu, giải pháp, phương hướng. Ví dụ: Nghị quyết của UBTV Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Nghị quyết của Bộ Chính trị ...
2. QUYẾT ĐỊNH:
- Khái niệm: Quyết định là văn bản hành chính do một cá nhân hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chủ thể ban hành: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng, Chủ tịch UBND, Chủ tịch nước Giám đốc sở, hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp,... Ban hành cả ở khu vực công và tư (ví dụ: trong doanh nghiệp)
- Đặc điểm pháp lý: Có hiệu lực thi hành cụ thể. Là văn bản hành chính – pháp lý phổ biến nhất trong quản lý nhà nước. Có thể là văn bản quy phạm pháp luật (như quyết định của Thủ tướng ban hành quy chế), hoặc văn bản áp dụng pháp luật (như quyết định xử phạt hành chính, quyết định khen thưởng...).
- Nội dung: Thường có Phê duyệt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, xử lý vụ việc, xử phạt, thu hồi đất, cấp phép,... Mang tính cá biệt hoặc phổ quát. Ví dụ: Quyết định củ Thủ tướng Chính phủ, Quyết định xử phạt, Quyết định khen thưởng, kỷ luật, Quyết định cấm xuất cảnh ...
3. QUYẾT NGHỊ:
- Khái niệm: Quyết nghị là kết quả làm việc được thông qua bằng biểu quyết tại một hội nghị, kỳ họp, đại hội,... của các tổ chức mang tính chất tập thể, thường trong các tổ chức chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp.
- Chủ thể ban hành: Ban chấp hành của tổ chức chính trị – xã hội (như Công đoàn, Hội doanh nghiệp ...), Đại hội cổ đông, đại hội đảng viên, Đại hội đoàn Luật sư ... Ban lãnh đạo các tổ chức tập thể có điều lệ hoạt động nội bộ.
- Đặc điểm pháp lý: Thể hiện sự đồng thuận qua thảo luận và biểu quyết. Ít tính pháp lý ràng buộc rộng như nghị quyết hay quyết định. Có hiệu lực trong nội bộ tổ chức đã ban hành ra nó.
- Nội dung: Thường có Các vấn đề nội bộ như nhân sự, phương hướng hoạt động, tài chính nội bộ, góp vốn ... Thường là sản phẩm của một kỳ họp hay đại hội. Ví dụ: Quyết nghị Đại hồi đồng cổ đông về việc bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Quyết nghị Đại hội cổ đông thường niên về chia cổ tức ...
LIÊN HỆ VỚI LUẬT SƯ: