Quyền riêng tư, Nội dung tin nhắn và hình ảnh thuộc bí mật đời tư cá nhân và quyền cá nhân đối với hình ảnh

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Hỏi:

Quyền riêng tư

Kính thưa quý Luật sư Em và một bạn chung chỗ học có sự gây chuyện với nhau, em có chơi với một đám bạn có nhóm nhắn tin trên facebook, hôm đó, bạn mượn điện thoại của một bạn trong nhóm em để gọi điện nhưng lại tự tiện vào tin nhắn của nhóm em (nội dung trong đó tụi em có nói không hay về bạn và những người xung quanh) nên bạn chụp tin nhắn lại rồi tự động gửi cho mọi người. Trong khi đó tụi em không hề biết gì, tối hôm ấy về nhà mới biết bao nhiêu tin nhắn riêng tư của tụi em nói những điều không hay về người đó trên mạng xã hội, kèm theo bức ảnh nhạy cảm không mặc áo của một bạn trong nhóm em cũng bị đăng lên (như vậy có phải là tội đăng ảnh nhạy cảm của ngkhac lên không ạ?). Xong tụi em mới vào lại nick bạn đó nhưng tụi em công khai là hack nick bạn đó, thì thấy tin nhắn bạn đó cũng nói xấu em rất nhiều. Việc em xâm phạm quyền riêng tư của bạn để lấy bằng chứng có hợp pháp không ạ?Em xin cảm ơn.


Trả lời:

Nội dung tin nhắn và hình ảnh thuộc bí mật đời tư cá nhân và quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Việc bạn đó tự tiện vào tin nhắn của nhóm bạn rồi chụp lại gửi cho người khác và đăng lên mạng mà không được sự cho phép đã xâm phạm bí mật đời tư của bạn.Bộ luật dân sự quy định:

"Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."

Vì thế hành vi này có thể xem là đã xâm phạm vào quyền nhân thân của bạn.

Tiếp theo, hành vi tung ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng là vi phạm pháp luật. Bên cạnh việc cấm tung ảnh nóng, Nhà nước cũng có những quy định xử lý nghiêm những người tung ảnh nóng. Hành vi này tùy thuộc và mức độ vi phạm cũng như hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc...

Thứ hai, chịu trách nhiệm dân sự

Theo điều 31, 37, BLDS 2005 quy định như sau:

Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh  

"1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp  người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh."

Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín  

"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."

Như bạn cung cấp ở trên, hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của bạn, nên người này đã vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh của bạn theo quy định tại Điều 31 BLDS. Trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự.

Do đó bạn có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể yêu câu người này bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bạn.

Thứ ba, về trách nhiệm hình sự

Nếu hành vi của người này xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của bạn thì người đó bị truy cứu TNHS theo Điều 121 BLHS:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Bên cạnh đó, Điều 226 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về  “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, nếu người đưa hình ảnh nhạy cảm của người khác (mà không được sự đồng ý của người đó) lên mạng Internet nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người trong hình ảnh thì có dấu hiệu phạm vào “Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS năm 1999.

Nếu người đưa hình ảnh nhạy cảm của người khác (mà không được sự đồng ý của người đó) lên mạng xã hội nhưng không chứng minh được mục đích của hành động này nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người trong hình ảnh, thì hành vi này có dấu hiệu phạm vào “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” được quy định tại Điều 226 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Ngoài ra, việc người này tung những hình ảnh nhạy cảm, ảnh nóng trên mạng xã hội cho tất cả mọi người xem. Hành vi tung ảnh nóng của bạn nói trên là "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 253 BLHS.

Điều 253. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ 

"1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…”

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, nếu người đưa hình ảnh nhạy cảm của người khác (mà không được sự đồng ý của người đó) lên mạng Internet nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người trong hình ảnh thì có dấu hiệu phạm vào “Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS năm 1999 với mức hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu thuộc một trong các trường hợp a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người;c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nếu người đưa hình ảnh nhạy cảm của người khác (mà không được sự đồng ý của người đó) lên mạng xã hội nhưng không chứng minh được mục đích của hành động này nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người trong hình ảnh, thì hành vi này có dấu hiệu phạm vào “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” được quy định tại Điều 226 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Việc bạn xem trộm tin nhắn của người bạn đó nhằm lấy bằng chứng hay vì bất kỳ lý do gì mà không được sự đồng ý thì đều xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của người bạn đó. Như vậy, hành vi của bạn đã trái pháp luật.

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)