Quy định việc hoãn phiên tòa dân sự theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐTPTANDTC, Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTPTANDTC

ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT HOÀNG SA

Địa chỉ: 12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN

Quy định việc hoãn phiên tòa dân sự.


Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐTPTANDTC, Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTPTANDTC quy định việc hoãn phiên tòa dân sự, các trường hợp hoãn phiên tòa dân sự như sau:

1. ĐỐI VỚI PHIÊN TÒA DÂN SỰ SƠ THẨM:

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Điều 229. Sự có mặt của người làm chứng

1. Người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.

2. Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.

Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án. Chủ toạ phiên tòa công bố lời khai đó.

Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.

Điều 241. Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt

Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ toạ phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật này quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐTPTANDTC:

Điều 28. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt tại phiên toà quy định tại Điều 202 của BLTTDS.

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt mà không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 199 của BLTTDS thì dù có hay không có lý do chính đáng, Toà án hoãn phiên toà.

Tòa án chỉ tiến hành xét xử vắng mặt đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có một hoặc một số đương sự; người đại diện của một hoặc một số đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một hoặc một số đương sự có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt và các đương sự còn lại, người đại diện của các đương sự còn lại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự còn lại vẫn có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

b) Tất cả các đương sự và người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án đều có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ để giải quyết theo quy định pháp luật.

2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 199 của BLTTDS.

3. Trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của BLTTDS, đã được Toà án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên toà theo quy định tại các điều từ Điều 150 đến Điều 156 của BLTTDS và đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã chuẩn bị tham gia phiên toà xét xử vụ án, nhưng do sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm Toà án mở phiên toà hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Toà án để tham gia phiên toà (do thiên tai, địch hoạ, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết,…) nên họ không thể có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, thì Toà án cũng hoãn phiên toà.

Trường hợp do Toà án không nhận được thông báo từ phía đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt họ, nếu sau khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, đương sự có khiếu nại và chứng minh được việc họ vắng mặt tại phiên toà là do sự kiện bất khả kháng, thì khiếu nại cần được xem xét theo thủ tục tái thẩm.

2. ĐỐI VỚI PHIÊN TÒA DÂN SỰ PHÚC THẨM:

Điều 296. Hoãn phiên tòa phúc thẩm

1. Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

2. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

3. Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTPTANDTC:

Điều 16. Về hoãn phiên toà phúc thẩm quy định tại Điều 266 của BLTTDS

Việc hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 266 của BLTTDS.

1. Trong mọi trường hợp, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hoãn phiên toà mà không phân biệt họ vắng mặt có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

2. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt (nếu trong vụ án không có người kháng cáo khác).

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo của những người kháng cáo có mặt tại phiên toà.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo vắng mặt thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS và phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó độc lập và không liên quan đến phần khác của bản án bị kháng cáo, kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt mà không phải ra quyết định riêng bằng văn bản, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Toà án cấp phúc thẩm cũng phải hoãn phiên toà đối với người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm nếu thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phải ghi rõ bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

3. Đối với người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà, thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và Điều 206 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 27 và Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng khác phải là người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 263 của BLTTDS, thì Toà án cấp phúc thẩm mới xem xét việc hoãn phiên toà. Nếu họ không có liên quan đến việc xét xử phúc thẩm (quyền lợi, nghĩa vụ của họ độc lập với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị) thì Toà án cấp phúc thẩm không phải xem xét việc hoãn phiên toà.

4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên toà phúc thẩm, thì thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 208 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 29 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

 

 


       Quý khách liên hệ với chúng tôi

 CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG SA

  12A03, Tòa 24T2, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, HN
  0911771155
  Luathoangsa@gmail.com
        Hotline:  0911771155 (Luật sư Giáp)
Thong ke

Khách hàng tiêu biểu

Đặt câu hỏi miễn phí

loichaobatdau Luật Hoàng Sa 
Hỗ trợ trực tuyến
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời, gọi Luật sư: 0911771155 (Zalo)